1. Đi nghỉ mát
Một kì nghỉ dưỡng cùng gia đình, bạn bè, người yêu là rất cần thiết để cân bằng lại cuộc sống, giúp xua tan căng thẳng, lên dây cót tinh thần cho những ngày làm việc vất vả sắp diễn ra. Tuy nhiên, hãy chỉ đi chơi, đi du lịch nếu bạn tiết kiệm được tiền hoặc được ai đó tài trợ, dừng ngay ý nghĩ vay tiền để đi. Món nợ cho một vài ngày vui chơi thoải mái sẽ đeo bám bạn, chắc chắn sẽ làm bạn khổ sở trong suốt những tháng ngày sau đó.
Thay vì du lịch một cách gấp gáp với số tiền ít ỏi, bạn có thể tối giản lần đi chơi của năm nay, tiết kiệm tiền để đi vào năm sau. Cuộc vui sẽ chỉ có ý nghĩa thư giãn khi bạn chẳng phải nơm nớp lo lắng về số tiền bỏ ra cho nó.
2. Mua quà tặng cho mọi người
Nếu nhận được một món quà có giá trị lớn nhưng sau đó biết được người tặng đang phải khổ sở để trả nợ số tiền mua nó thì liệu bạn có vui vẻ được không? Người thân và bạn bè của bạn cũng như vậy thôi. Đừng bao giờ vay tiền chỉ để mua một món quà thật lớn cho ai đó. Hãy tiết kiệm tiền, giảm bớt những lần ăn uống tốn kém hay một vài lần mua sắm thả ga là bạn đã có thể mua một món quà ý nghĩa cho người thân yêu rồi.
3. Tự thưởng cho chính mình
Thật điên rồ khi có ý nghĩ sẽ đi vay tiêu dùng để mua sắm gì đó tự thưởng cho bản thân. Một khi đã phải đi vay để mua đồ thì chắc chắn bạn chưa từng cố gắng hết sức để kiếm tiền trước đó. Vậy thì có gì đáng để được tự thưởng? Nếu muốn mua một chiếc xe tốt hơn hoặc một chiếc laptop cấu hình cao phục vụ cho công việc, bạn hoàn toàn có thể đi vay, vì những thứ được mua này có thể mang lại lợi ích, có thể giúp bạn kiếm tiền. Nhưng nếu muốn mua một túi xách hàng hiệu, một đôi giày tiền triệu hay trang sức đắt tiền thì hãy tự kiếm tiền chứ đừng đi vay.
4. Mua nhẫn đính hôn hoặc tổ chức đám cưới
Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ luôn có ý nghĩ rằng đám cưới là mốc quan trọng của đời người, phải càng hành tráng càng tốt. Vậy nên việc đi vay tiền để tổ chức đám cưới ở nơi sang trọng với họ là điều vô cùng bình thường. Họ còn bất chấp vay tiền để mua một cặp nhẫn đính hôn thật đắt. Tuy nhiên, với cách làm này, các cặp đôi rất có thể sẽ phải bắt đầu cuộc sống vợ chồng với một đống nợ.
Suy nghĩ một cách thực tế và tỉnh táo hơn thì tiệc cưới không nên quá đơn giản nhưng cũng đừng phố trương quá đà. Hãy tổ chức một bữa tiệc ấm cúng, vừa đủ vui, ấn tượng và đặc biệt là hợp với túi tiền. Sau khi cưới không lâu chắc chắn bạn sẽ nhận ra sự đúng đắn khi đã quyết định đầu tư cho tương lai thay vì đổ dồn hết vào một đám cưới xa hoa.
5. Mua sắm đồ nội thất và thiết bị cho gia đình
Thời gian cuối năm là “thời điểm vàng” để các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm tung ra các chương trình khuyến mại, mua đồ trả góp…siêu hấp dẫn mà bạn rất có thể sẽ bị lôi kéo vào. Mặc dù bạn đầu, khi mới mua những đồ dùng ấy, bạn sẽ hài lòng khi được dùng đồ “xịn” nhưng lâu dần, khi tất cả mọi chi tiêu cần điều chỉnh để trả nợ và lãi hàng tháng, bạn sẽ thấy mọi thứ thật tồi tệ. Hãy thật tỉnh táo và sáng suốt trước khi quyết định vay tiền để mua hoặc mua trả góp bất cứ vật dụng nào.
6. Phẫu thuật thẩm mỹ
Những cô nàng da trắng, mũi cao, môi đỏ đang khiến bạn “mê mẩn” và bạn có dự định sẽ vay một khoản để “tút tát” lại nhan sắc? Hãy suy nghĩ một cách cẩn thận. Ai cũng có khuyết điểm nào đó về ngoại hình. Và mong muốn được đẹp hơn là ước muốn đúng đắn. Tuy nhiên hãy chỉ phẫu thuật thẩm mỹ khi bạn tiết kiệm đủ tiền. Làm đẹp cũng “gây nghiện” không khác gì mua sắm, khi vay để phẫu thuật được 1 lần chắc hẳn sẽ có lần thứ 2. Bạn có muốn trở thành một cô nàng xinh đẹp nhưng luôn phải khốn khổ để trả nợ không?
Vay mượn tiền để giải quyết nhu cầu tài chính tức thời là điều khó tránh. Tuy nhiên bạn hãy tỉnh táo để không mắc phải sai lầm nhé!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.