Tỷ giá "phập phồng" theo NDT, doanh nghiệp nhập khẩu “đau đầu”

Lê Thuý Thứ tư, ngày 25/07/2018 07:19 AM (GMT+7)
Chỉ trong vòng 3 tháng NDT mất giá 8% và để đón đầu xu hướng có thể giảm tiếp, 2 ngày qua, NHNN liên tục tăng giá bán USD và hệ luỵ là giá USD đã tăng lên “ngưỡng” 23.315 đồng. Biến động của tỷ giá USD/VND khiến không ít doanh nghiệp nhập khẩu “đau đầu” dù NHNN khẳng định điều hành tỷ giá ở mức hợp lý.
Bình luận 0

Chỉ trong vòng 2 ngày, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng tới trên 200 VND/USD đưa mức giá mua/bán phổ biến lên một mức cao mới 23.220 VND/USD (mua vào) và 23.300 VND/USD (bán ra). Thậm chí Sacombank còn niêm yết giá bán ra với mức giá 23.315 VND/USD. Các NHTM tăng mạnh giá USD ngay sau động thái điều chỉnh tăng giá mua/bán USD của NHNN.

VND mất giá 2-3%?

Theo ông Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện kinh tế tài chính IEF (Bộ Tài chính), việc nâng giá bán USD của NHNN chắc chắn sẽ tác động tới tâm lý của thị trường, làm xáo động tâm lý của giới đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài.

“Sau 1 thời gian khá dài tỷ giá được giữ ổn định, các NHTM dường như “thờ ơ” đối với những biến động tiền tệ. Vậy mà chỉ trong một hai phiên các NHTM đã điều chỉnh tăng tỷ giá trên 200 VND/USD, thậm chí mức tỷ giá niêm yết chỉ kém mức giá trần vài chục đồng, đây là điều hiếm thấy trong thời gian qua. Điều đó cho thấy, các ngân hàng dường như đang có sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung ngoại tệ từ NHNN. Khi NHNN ngừng bán USD giá rẻ thì lập tức giá USD tại các NHTM tăng tốc”, ông Độ phân tích.

img

Ông Độ nhớ lại năm 2015, Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc phá giá mạnh, tỷ giá USD/VND cũng phải giảm giá tới 5%.

“Rất có thể kịch bản cũ lại xảy ra và tâm lý thị trường có thể có những xáo động mạnh. Không loại trừ khả năng doanh nghiệp hay nhà đầu tư “đua nhau” tìm đến đồng USD như 1 tài sản an toàn. Điều này nếu xảy ra sẽ tạo ra sự căng thẳng nhất định về cung – cầu trên thị trường ngoại hối”, ông Độ bày tỏ quan ngại.

Về vấn đề này, bà Trần Hải Yến, nhận định NHNN ngừng bán ra ngoại tệ với giá thấp đồng nghĩa với việc tỷ giá sẽ được đẩy lên mặt bằng mới cao hơn.

“Việc các NHTM tăng tỷ giá cùng lúc với quyết định nâng giá bán USD của NHNN là một phản ứng mang tính tâm lý tức thời chứ không hẳn do tác động từ yếu tố cung – cầu thực tế”, bà Yến nhận định.

Bà Yến cho biết thêm, trong hai tuần trở lại đây, theo một vài thống kê không chính thức, NHNN ước tính đã bán ra khoảng 1 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối với giá bán được ấn định ở mức 23.050 VND/USD.

“Động thái bán ra này đã giúp tỷ giá VND/USD ổn định trở lại kể từ phiên ngày 5.7 đến nay bất chấp đồng NDT của Trung Quốc có xu hướng lao dốc mạnh”, bà Yến bình luận.

Theo bà Yến, xu hướng giảm giá của NDT được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài khi sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẵn sàng chấp nhận một đồng tiền yếu hơn khi bị trượt giá để có thể tác động tốt cho ngành công nghiệp xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc. NDT đã giảm tổng cộng gần 8% trong 3 tháng qua khi mà chiến tranh thương mại với Mỹ Trung gia tăng.

"Nhiều khả năng NHNN đang tính đến kịch bản đồng NDT có thể sẽ tiếp tục giảm giá thêm 1-2% nữa, nên chủ động đi trước để VND giảm giá thêm khoảng 1%. Nếu kịch bản trên thực sự xảy ra, có thể VND sẽ có mức mất giá từ 2-3% cho cả năm nay (thay vì chỉ quanh mức 2% như dự báo trước đó)”, bà Yến dự báo.

Doanh nghiệp nhập khẩu “ngồi trên lửa”

Đại diện doanh nghiệp nhập khẩu Happy green cho biết doanh nghiệp quá “bất ngờ” với sự tăng giá mua/bán của đồng USD tại các NHTM trong 2 ngày vừa qua.

“Những bất lợi dường như lại đang tiếp tục đổ dồn hết vào doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa như công ty chúng tôi. Hiện công ty chúng tôi là đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền các thương hiệu cốc nguyệt san xuất xứ châu Âu, đó là Cuplee và Lilacup xuất xứ từ Liên Bang Nga và Silja nhập khẩu từ Đức. Việc tỷ giá tăng đột biến sẽ ảnh hưởng rất nhiều, từ giá thành sản phẩm tăng, đến cước vận chuyển cũng tăng. Bởi tất cả các chi phí này đều phải thanh toán bằng ngoại tệ”, đại diện này bày tỏ lo ngại.

"NDT đã giảm tổng cộng gần 8% trong 3 tháng qua khi mà chiến tranh thương mại với Mỹ Trung gia tăng. Nhiều khả năng NHNN đang tính đến kịch bản đồng NDT có thể sẽ tiếp tục giảm giá thêm 1-2% nữa, nên chủ động đi trước để VND giảm giá thêm khoảng 1%. Nếu kịch bản trên thực sự xảy ra, có thể VND sẽ có mức mất giá từ 2-3% cho cả năm nay (thay vì chỉ quanh mức 2% như dự báo trước đó)", bà Trần Hải Yến, Chuyên viên phân tích vĩ mô, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Vị đại diện này cho biết thêm khi chúng tôi nhập khẩu hàng hóa về phân phối thì rõ ràng tính ra giá thành sản phẩm đang “đắt lên”. “Chúng tôi vừa phải thực hiện thanh toán đơn hàng vào hôm qua, đúng ngày mà các NHTM tăng tỷ giá và như vậy với sản phẩm nhập về lần này, nếu không tăng giá bán thì chúng tôi phải rút bớt lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiện nay hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã khó khăn nay tỷ giá tăng như này thì khó lại càng thêm khó” vị đại diện này lo lắng.

Đồng quan điểm, Công Ty CP Thủ Công Mỹ Nghệ Hoa Lư cũng đang “nhấp nhổm” vì nỗi lo tỷ giá tăng. “ Chúng tôi đang đau đầu với tỷ giá” bà Nguyễn Tú Anh, phó giám đốc doanh nghiệp phàn nàn.

Theo bà Tú Anh, tỷ giá mới chỉ tăng mạnh trong 2 ngày mà doanh nghiệp đã nhìn thấy ảnh hưởng không tích cực tới hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều đơn hàng của doanh nghiệp đang phải dừng lại vì khách hàng “đắn đo”.

“Dù thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp là Nhật Bản nhưng đồng tiền sử dụng giao dịch vẫn là đồng USD. Giá USD trong nước đang đẩy lên quá cao, khi chúng tôi cung cấp sản phẩm cho khách hàng vô hình chung nếu quy đổi ra thì chúng tôi đang bán hàng “đắt” lên. Tính cạnh tranh của mặt hàng vì thế cũng suy giảm. Khách hàng đang “yêu cầu” doanh nghiệp xem xét và cân đối lại giá bán.

Chúng tôi đang phải “vò đầu” tính toán xem phải làm thế nào với những hợp đồng hiện tại, mà thực sự chưa tìm được lời giải nào phù hợp. Nhà nước phải kiểm soát như thế nào chứ cứ thế này doanh nghiệp sẽ chết”, bà Tú Anh kiến nghị.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, NHNN: “Trên thực tế, khi thị trường ngoại tệ có thiếu hụt cục bộ về ngoại tệ và chịu áp lực từ yếu tố tâm lý, kỳ vọng, việc can thiệp ngoại tệ của NHNN đã bổ sung một lượng ngoại tệ nhất định cho thị trường, giúp khả năng cung ứng ngoại tệ cho khách hàng của TCTD tốt hơn.

Việc NHNN tăng giá bán ngoại tệ để tỷ giá thị trường diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý. NHNN vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong điều hành, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu trên, trong đó tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, phối hợp với các công cụ khác và sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem