Đồng USD đã mất giá khoảng 6% trong khi EUR tăng 8,42%
Vì sao USD mất giá 6%?
6 tháng đầu năm 2017, đồng USD đã mất giá khoảng 6%. Trong bối cảnh đó, nhiều ngoại tệ khác trên Thế giới có xu hướng tăng giá bao gồm: EUR tăng 8,42%, JPY tăng 2,39% so với đồng USD… Trong khi đó, giá trị của đồng tiền Việt Nam chỉ tăng không đáng kể, 0,15% so với giá trị của USD.
Theo TS. Cấn Văn Lực, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng nêu trên. Thứ nhất, trong hai năm 2015 và 2016, đồng USD đã tăng giá tới 9%, gần chạm tới giới hạn tăng trưởng. Thứ hai, những chính sách của Donald Trump có nhiều điểm gây nghi ngờ, bị Nghị viện và người dân phản đối quá nhiều nên việc triển khai thực thi rất chậm chạp.
Chính vì thế, đồng USD đã mất giá tới 6%. Điều này cũng khiến những ngoại tệ mạnh khác tăng giá như EUR tăng 8,42%. Tuy nhiên, trong hơn 6 tháng qua, Việt Nam đồng gần như không tăng giá.
Nhìn nhận chính sách tiền tệ, tài khóa tại 4 thị trường có ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU. TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Bốn thị trường đang có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi Mỹ có xu hướng thắt chặt, tăng lãi suất thì EU mới chỉ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ hơn.
Còn Nhật Bản. do nền kinh tế phục hồi khá chậm chạp nên Ngân hàng TƯ Nhật Bản tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa của mình để giữ lạm phát ở mức 2%, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó thị trường Trung Quốc đang ở mức độ trung tính, họ đang quan sát thị trường. Nhưng có xu hướng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn vào cuối năm 2017”.
Tỷ giá USD tăng, VND mất giá 2%?
Dự báo tình hình tỷ giá VND/USD trong 6 tháng cuối năm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc FED điều chỉnh tăng lãi suất, dẫn tới lãi suất Libor của đồng USD tăng nhẹ đã khiến lợi tức trái phiếu chính phủ dài hạn của Mỹ giảm xuống.
TS. Cấn Văn Lực dự báo tỷ giá USD tăng, VND sẽ mất giá 2%
Điều này cho thấy kỳ vọng vào việc FED nhanh chóng tăng lãi suất đã giảm đi đáng kể. Năm 2017, dự kiến là FED sẽ điều chỉnh lãi suất 3 lần, lần cuối vào tháng 9 hoặc tháng 12 năm nay. Song trong bối cảnh kinh tế hiện tại, sang năm 2018 có thể FED chỉ điều chỉnh lãi suất 2 lần/năm.
Những yếu tố kể trên, cộng với việc FED bắt đầu thu hẹp bảng cân đối tài sản từ tháng 12.2017 sẽ khiến lãi suất quốc tế của đồng USD và lãi suất Libor sẽ tiếp tục tăng thêm từ 0,2 – 0,3% vào cuối năm nay
TS. Lực dự báo: “Đồng USD sẽ tăng giá trở lại chứ không tiếp tục giảm giá. Nhưng mức độ tăng từ nay tới cuối năm sẽ nhỏ giọt, chứ không mạnh mẽ như hai năm 2015, 2016.
Dựa trên thông tin, tính toán của Bloomberg và Citi Bank, tôi cho rằng từ nay tới cuối năm, tiền tệ các nước sẽ có sự phân hóa. Sẽ có đồng tiền tăng, có đồng tiền giảm. Còn Việt Nam đồng sẽ mất giá khoảng 2% trước áp lực tăng tỷ giá và những yếu tố kinh tế vĩ mô khác. Đây là mức hợp lý, có thể chấp nhận được”.
Còn TS. Nguyễn Thạc Hoát - Trưởng khoa Tài chính Tiền tệ, Học viện Chính sách & Phát triển cho rằng, áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới sẽ rất lớn khi chính sách tăng lãi suất của FED vẫn tiếp tục. Đồng thời, thuế điều chỉnh biên giới (BAT) của Mỹ cũng sẽ tác động rất mạnh tới dòng tiền trên thị trường Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cụ thể, mức độ ảnh hưởng của BAT được quyết định bởi hai nhân tố: độ co giãn về hàng hóa và chính sách tỷ giá. Hiệu ứng tăng giá đồng USD từ ảnh hưởng của BAT sẽ khiến áp lực tăng của Việt Nam đồng ngày càng cao.
Trong khi đó, thuế BAT lại tập trung đánh thuế các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời miễn trừ thuế cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Điều này khiến các DN nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ phải gánh chịu mức thuế cao hơn rất nhiều so với mức hiện tại, tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt là khi Mỹ đang là đối tác thương mại đem lại thặng dư lớn nhất cho Việt Nam trong nhiều năm liền.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ đạt gần 15,47 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,7%, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cảnh giác trước lạm phát
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ: “Chúng ta không thể chủ quan với lạm phát được, dù lạm phát đang được kiểm soát ở mức độ thấp, từ 2 tới 3%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều áp lực khiến lạm phát có thể tăng lên.
Đồng USD dự kiến sẽ tăng giá trở lại, cộng thêm việc tăng lãi suất của FED trong năm nay. Đồng thời, chính quyền Donald Trump có thể sẽ áp dụng luật thuế điều chỉnh biên giới (BAT), liên quan tới nhập khẩu từ các quốc gia vào Mỹ. Tất cả sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất – nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
VND có thể sẽ mất giá 2%
Khi đó, nó sẽ kích thích tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, cộng với chính sách tài khóa mới sẽ khiến đồng USD tăng giá. Khi đồng USD tăng giá, áp lực về lãi suất, tỷ giá với Việt Nam đồng sẽ tăng, chưa kể tới vấn đề lạm phát. Rồi giá của những hàng hóa cơ bản, giá dầu sẽ nhích lên trong những tháng cuối năm.
Đương nhiên, điều này sẽ gây tác động tới giá cả trong nước. Lộ trình tăng giá sẽ diễn ra rầm rộ. Những cơ quan làm công tác quản lý kinh tế phải phối hợp rất tốt giữa chính sách giá cả và những chính sách kinh tế khác để tỷ suất lạm phát không bùng phát trở lại, phá vỡ đà tăng trưởng của chúng ta”.
Còn TS. Nguyễn Thạc Hoát đề xuất, cần tiếp tục thực hiện chính sách kiểm soát tỷ giá trong một biên độ phù hợp, từ 2 – 3%. Và nên kiểm soát tỷ giá với mục tiêu ổn định tiền tệ, từ đó sẽ tạo đà tăng trưởng. Không nên dùng tỷ giá để kích thích tăng trưởng, gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.