Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương vẫn còn chậm
Tại sao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương vẫn còn chậm?
Trần Khánh
Thứ ba, ngày 04/10/2022 15:20 PM (GMT+7)
Kết thúc quý III năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương vẫn còn chậm, chỉ đạt 37,8% kế hoạch năm. Đây là khó khăn lớn mà Bình Dương vẫn đang nỗ lực thúc đẩy suốt thời gian qua.
Khối lượng thực hiện đến ngày 31/5 hơn 2.400 tỷ đồng, giá trị giải ngân hơn 1.800 tỷ đồng; đạt 20,5% so với kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước, khoảng 25,7% (Bình Dương thấp hơn khoảng 5%).
Thông tin về tình hình kinh tế, xã hội 9 năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đến 15/9/2022, tổng giá trị giải ngân đầu tư công của Bình Dương là hơn 3.365 tỷ đồng; đạt 37,8% kế hoạch năm 2022 HĐND tỉnh giao; và đạt 38,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
UBND tỉnh Bình Dương đánh giá, tiến độ lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số địa phương cấp huyện ở phía Nam còn thiếu quỹ đất tái định cư phục vụ các dự án đầu tư.
Nỗ lực hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công
Trả lời câu hỏi của PV báo Dân Việt về lý do và khó khăn còn tồn tại kéo dài, Sở Kế hoạch đầu tư cho biết, giải ngân vốn đầu tư công chậm là khó khăn chung, không riêng gì của Bình Dương.
Ông Dương Tấn Thành - Trưởng phòng Tổng hợp – Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân chủ yếu do khâu giải phóng mặt bằng. Giá đất tăng cao ở một số địa phương nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân thứ hai do giá vật tư có nhiều biến động, dẫn đến giá thành thi công tăng cao, nhất là với các dự án lớn.
"Nhiều chủ đầu tư có tâm lý chờ đợi Nhà nước có chính sách điều chỉnh giá vật tư, sau đó mới tiếp tục tiến hành thi công", ông Thành nói.
Nguyên nhân cuối cùng liên quan đến công tác thẩm định giá. Đại diện Sở Kế hoạch đầu tư cho biết, thời gian qua xảy ra nhiều vụ án liên quan đến thẩm định giá đất. Khâu thẩm định giá đất ở Bình Dương cũng bị tác động.
Cụ thể, theo ông Thành, một số đơn vị thẩm định giá tỏ ra ngại ngần, nhất là khi thẩm định giá đất với các dự án đầu tư công. Trong khi đó, chi phí thẩm định không lớn.
Điều dẫn đến tâm lý không mặn mà với việc thẩm định giá các dự án đầu tư công, gây chậm trễ trong thẩm định giá đất. "Sau cùng là ảnh hưởng đến việc trình lên Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh để tiến hành giải phóng mặt bằng", ông Thành giải thích.
Để thúc đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Sở Kế hoạch đầu tư đang tiến hành rà soát, điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt, còn thiếu vốn để đảm bảo giải ngân đạt 100% kế hoạch.
Ông Nguyễn Tầm Dương – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, giải ngân vốn đầu tư công là việc khó của cả nước. Thời gian qua, Chính phủ cũng liên tục tổ chức các hội nghị, nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho các tỉnh thành trên cả nước.
Thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các chủ đầu tư. Trong tháng 10 này, UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, trong đó có huyện Bàu Bàng, TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên nhằm tìm hiểu, giải quyết rốt ráo từng nguyên nhân cụ thể, đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp.
"Việc giải ngân ở Bình Dương cũng còn vướng nhiều khâu. Bình Dương phải tích cực giải quyết các khó khăn trong 3 tháng cuối năm để hoàn thành cho được kế hoạch đề ra", ông Dương chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.