Nhờ đọc báo Nông Thôn Ngày Nay
Đến thăm trang trại của ông Căn, chúng tôi rất ấn tượng bởi quy mô và cách thiết kế bài bản. Với diện tích hơn 5ha, ông Căn chia trang trại thành các khu chăn nuôi lợn, trồng nấm, nuôi cá, trồng măng tây xanh và các loại cây ăn quả.
Ấn tượng nhất là khu chăn nuôi lợn siêu nạc tập trung theo quy trình khép kín. Với 6 dãy chuồng (700m2/dãy), chuồng nào cũng sạch sẽ, có hệ thống làm mát và có gắn camera để theo dõi sức khỏe đàn lợn.
Mỗi năm ông Tạ Đình Căn xuất bán hơn 1.000 tấn lợn hơi. Ảnh: Thu Hà
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, ông Căn kể: “Năm 2002, tôi đảm nhận chức Chủ tịch Hội ND xã Hồng Thái. Trước đó, tôi đã có hơn 20 năm làm chi hội trưởng Hội ND thôn Duyên Trang rồi Phó Chủ tịch Hội ND xã. Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, nên ngay từ nhỏ tôi đã suy nghĩ phải cố gắng làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình”.
Hiện trang trại của ông Căn đang tạo việc làm cho 10 lao động trên địa bàn với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Hàng chục hộ ND nghèo được ông Căn giúp đỡ về giống, vốn, kỹ thuật... đã vươn lên thoát nghèo và có của ăn của để.
|
Năm 2003, UBND xã Hồng Thái có chủ trương khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo hướng trang trại. Lúc đó với cương vị Phó Chủ tịch Hội ND, ông Căn đã mạnh dạn thuê 1 mẫu đất làm trang trại nuôi lợn. Tuy nhiên, do quỹ đất nhỏ, gặp khó khăn trong việc sản xuất hàng hóa, năm 2011, ông Căn đã thanh lý trước hợp đồng, trả lại quỹ đất cho xã để thuê đất làm trang trại nuôi lợn siêu nạc tập trung với quy mô 5ha.
“Là Chủ tịch Hội ND tôi thường xuyên và thích đọc báo Nông Thôn Ngày Nay. Qua quý báo, tôi biết đến nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi lợn gia công cho các tập đoàn, công ty lớn. Hiện, tôi đang liên kết với Công ty CP Phát triển công nghệ nông thôn (RTD)” - ông Căn cho hay.
Hiện trang trại của ông Căn thường xuyên duy trì hơn 4.000 con lợn/lứa, bình quân mỗi năm nuôi 2,5 lứa, xuất bán 1.000 tấn lợn hơi, trừ chi phí đầu tư ông Căn còn thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Nhìn đâu cũng ra tiền
Năm 2012, sau khi tham gia lớp dạy nghề trồng nấm, ông Căn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trại lán trồng nấm. Đến nay, với diện tích trồng nấm lên tới 1.500m2, bình quân mỗi năm ông Căn trồng khoảng 100.000 bịch nấm rơm, 20.000 bịch mộc nhĩ và 10.000 bịch nấm linh chi. Mỗi năm doanh thu từ trồng nấm đã mang về cho ông Căn 300 triệu đồng.
Cũng qua thông tin đọc được trên báo Nông Thôn Ngày Nay, ông Căn còn mạnh dạn trồng 6 sào măng tây xanh và đào hơn 1ha ao thả cá. Người dân xã Hồng Thái đều kháo nhau rằng, ông Chủ tịch Hội ND xã có duyên và mát tay làm giàu. Anh Đồng Văn Quang- hội viên thôn Duyên Yết chia sẻ: “Đất làm trang trại của ông Căn vốn là đất ruộng chiêm trũng, mỗi năm cấy 1 vụ lúa, thu nhập bấp bênh nên chúng tôi chẳng buồn cấy. Vậy mà, khi ông Căn bắt tay cải tạo thì đất ấy cho tiền tỷ mỗi năm”.
Không chỉ vậy, ông Căn còn có biệt tài biến rác thải thành tiền. Từ năm 2014, ông đã tận dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi lợn và các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp như rơm, rạ… đem ủ cùng với các chế phẩm sinh học để đầu tư sản xuất phân hữu cơ sinh học. “Mỗi năm xuất bán hơn 100 tấn phân hữu cơ sinh học với giá 3.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 300 triệu đồng/năm” - ông Căn thổ lộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.