Chăn nuôi hàng hóa tập trung
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tam Dương cho biết: “Với tiềm năng và lợi thế về sản xuất nông nghiệp, huyện đã xác định chăn nuôi là ngành thế mạnh của địa phương. Trong nhiều năm qua, huyện cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng NTM, đồng thời giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững”.
Chăn nuôi gia cầm có vị trí quan trọng trong nền kinh tế của huyện Tam Dương giúp cải thiện mức thu nhập của người dân. Ảnh: H.V
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 200 trang trại gồm các loại hình: Trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp và trang trại thuỷ sản và trên 250 gia trại. Tổng đàn gia cầm toàn huyện hiện có trên 2,5 triệu con, chiếm 1/4 số gia cầm toàn tỉnh và là địa phương có số lượng gia cầm lớn nhất tỉnh. Các mô hình trang trại chăn nuôi của Tam Dương không chỉ tập trung tại 3 khu chăn nuôi tập trung mà đang phát triển rộng khắp các xã trung du, miền núi.
Đặc biệt với mô hình trang trại gia cầm không cần nhiều diện tích đất mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đang phát triển mạnh với quy mô đàn từ trên 2.000 con gia cầm trở lên. Trang trại tổng hợp chiếm 13,4% tổng số trang trại của huyện. Đây là trang trại kết hợp giữa chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản và trồng trọt (cây ăn quả, măng bát độ, cây cảnh…). Những trang trại này tận dụng tối đa được các phế phụ phẩm từ chăn nuôi để phục vụ trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hiển – thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân (Tam Dương) là hộ tiêu biểu thu nhập cao từ trang trại chăn nuôi gà. Ông Hiển cho hay: “Từ năm 2007, huyện Tam Dương có chính sách khuyến khích phát triển mô hình kinh tế trang trại và quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Tôi cũng vay vốn để đầu tư trang trại nuôi gà đẻ. Đến nay trang trại có quy mô hơn 10.000 con gà đẻ các loại cho thu lãi từ 2,7-3 triệu đồng/ngày đem lại cho gia đình mức thu nhập khá ổn định”.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn cũng khẳng định: “Chăn nuôi trong thời gian tới vẫn tiếp tục là ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Bởi vậy, sẽ khuyến khích người chăn nuôi giữ vững và ổn định số đàn từ 2,3 - 2,5 triệu con gia cầm. Bên cạnh đó sẽ tập trung nâng cao sản lượng chăn nuôi theo hướng sản phẩm sạch; phát triển các giống gia cầm địa phương có giá trị cao”.
Thi đua sản xuất giỏi
" Chăn nuôi ngày càng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế của huyện Tam Dương, đóng góp vào thành công của chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của huyện”.
Ông Lê Anh Dũng
|
Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi được phổ biến đến tận thôn xóm, các chủ trang trại, các hộ chăn nuôi.
Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã lan tỏa sâu rộng và trở thành động lực để người chăn nuôi phấn đấu sản xuất. Toàn huyện đã có hơn 40.000 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có hơn 30.000 lượt hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi.
Ông Lê Anh Dũng – Phó Trưởng phòng NNPTNT – thành viên Ban chỉ đạo NTM cũng cho biết: “NTM ở Tam Dương đang có nhiều chuyển biến mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 24,5 triệu đồng/người/năm. 100% số xã đã được quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân là 2,38%. Đã cứng hóa 100% đường liên xã, 96,9% đường trục xã”.
Ông Lê Anh Dũng cũng nhấn mạnh: “Tam Dương sẽ ưu tiên phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm an toàn, có giá trị kinh tế cao, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn huyện”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.