Tỷ phú dó bầu bản Hìn

Thứ hai, ngày 24/10/2011 17:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để có gần 4.000 cây dó bầu như hôm nay, ông Lò Văn Pâng, (62 tuổi) ở bản Hìn, phường Chiềng An, TP. Sơn La đã đầu tư gần 2 tỷ đồng. Bù lại, bây giờ ông có thể ung dung ngắm nhìn đồng tiền sinh sôi, nảy nở.
Bình luận 0

Rời quân ngũ năm 1987 ông Pâng trở về quê hương bản Hìn và làm chủ nhiệm HTX bản.

img
Ông Pâng - nông dân giỏi trong chăn nuôi, trồng trọt.

Cả cuộc đời xung kích

Việc đầu tiên của Chủ nhiệm Pâng với HTX là ra quyết định san hộ - dãn bản; động viên các hộ trẻ tách khỏi ngôi nhà chung để lập hộ mới gắn với nhận đất, khai hoang ruộng nước, đào ao thả cá, chuyển đổi cây trồng.

Ông Pâng kể: "Mấy anh em nhà tôi cũng tách thành 5 hộ. Bám đất, bám nương, hiệu quả canh tác cao hơn, đói nghèo bị đẩy lui từng bước". Tiếp đó, ông bắt tay vào cải tạo nương vườn tạp để trồng cây ăn quả và cà phê. Những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20, vườn quýt của ông mỗi vụ thu tới hàng tấn quả; vườn cà phê cũng thu hàng chục triệu mỗi năm. Hiệu quả kinh tế từ trang trại của ông Pâng đã thu phục quyết tâm của dân bản. Phong trào trồng cây ăn quả trong bản phát triển, lan sang cả các bản lân cận.

Cuối thập kỷ 90, khi gia đình đã khá giả, ông Pâng lại tiên phong trong phát triển đàn trâu, bò và nuôi nhím sinh sản. "Vốn liếng cũng chẳng có nhiều nên tôi cứ túc tắc, từ một vài con giống ban đầu, vừa làm, vừa học hỏi, tích luỹ thêm. Vậy mà gặp may, trâu bò cứ đẻ sòn sòn; nhím thì gây đôi nào được đôi ấy". Đàn bò sinh sản nhiều, ông bán bớt trâu, bò thêm tiền mua những con nhím tốt giống về nuôi.

Đến năm 2005-2006, khi một đôi nhím giống giá cả chục triệu đồng thì ông Pâng đã có đàn nhím tới hơn 70 đôi. "Có thời điểm mỗi năm tôi thu ngót tỷ bạc từ nhím nên khi có thông tin về cây dó bầu được giá, tôi đã tìm mua 4.000 cây về trồng. Lúc ấy, ai cũng bảo tôi liều vì tiền mua dó bầu lên tới gần 2 tỷ. Nhưng nghĩ mình có đàn nhím, trâu bò hỗ trợ; với lại không mạnh dạn đầu tư thì cơ hội sẽ đi qua. Tôi phá bỏ vườn cây trái để trồng dó bầu" - ông Pâng kể.

Sau khó khăn là thành công

Cây lạ, đất mới, những ngày đầu ông gặp không ít khó khăn. "Từ việc đào hố, phân bố hàng cây thế nào cho hợp lý, chăm sóc ra sao… tôi đã biết gì đâu. Vì thế nên bị chết mất mấy trăm cây dó bầu. Thế nhưng cái máu làm ăn thôi thúc, nghĩ mình cũng đâu đến nỗi phải lo cơm áo hàng ngày, cứ mạnh dạn bớt 2ha đất vườn mà trồng dó bầu, cùng lắm thì thành rừng gỗ cũng chẳng thiệt”- ông Pâng thật thà.

Trăn trở mãi, ông lại tìm thầy, tìm thợ, học thêm trên sách báo… và gần 2ha dó bầu ngày càng bám rễ xanh tốt. Hiện 4.000 cây dó bầu của ông, cây nhỏ nhất đường kính cũng trên 10cm. "Đã có người trả tôi hơn 1 triệu đồng một cây nhưng tôi không bán" - ông Pâng cho biết.

img Tôi đang tạo trầm cho dó bầu đấy. Nếu thành công thì cái vườn này sẽ có giá trị nhiều tỷ đồng. img

Ông Lò Văn Pâng

Điểm lại những việc làm của mình, ông Pâng trầm ngâm: “Tôi hay đi trước mọi người nên cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng sau khó khăn là những thành công. Mà đã thành công thì nói gì cũng dễ, vận động ai cũng nghe và có điều kiện giúp đỡ những người khó khăn”. Gia đình ông nhiều năm qua đã giúp gần chục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong bản có điều kiện học hành.

Chỉ vào một thân cây dó với nhiều lỗ thủng sâu hoắm, ông Pâng khoe: "Tôi đang tạo trầm cho cây đấy. Nếu thành công thì cái vườn này sẽ có giá trị nhiều tỷ đồng". Tạo trầm cho dó bầu không đơn giản, nếu không biết cách rất dễ gây bệnh cho cây, ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng của dó bầu. Quan trọng là mình phải tính toán, học hỏi thật chu đáo chứ không được làm liều".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem