Tỷ phú làng cá, làng tỷ phú đánh cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu nay đi đâu rồi, bao giờ thì thấy lại vàng son?
Làm gì để thấy lại những tỷ phú nghề cá, làng tỷ phú nghề cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu trong tương lai?
Thứ bảy, ngày 27/04/2024 13:23 PM (GMT+7)
Những tên gọi từng gây sốt cách đây mười năm như “làng cá tỷ phú”, giờ ít được người ta nhắc đến nữa. Cũng thời đó, làng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền), được ví là làng cá giàu nhất cả nước, nhiều tỷ phú nhất nước, làm rạng ngời thương hiệu nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu.
Những tên gọi từng gây sốt cách đây mười năm như “làng cá tỷ phú”, giờ ít được người ta nhắc đến nữa. Cũng thời đó, làng cá Phước Tỉnh (Long Điền), được ví là làng cá giàu nhất cả nước, nhiều tỷ phú nhất nước, làm rạng ngời thương hiệu nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giờ thì làng cá vẫn còn. Nhưng những chủ ghe, chủ tàu có thể giàu lên tới mức tỷ phú, đã không nhiều như trước nữa. Chúng tôi, những lần trở lại làng cá này, quen hơn với các cụm từ “ghe tàu nằm bờ”, “thua lỗ”. Thỉnh thoảng còn có cả chuyện “vỡ nợ”.
Điều đó cũng không xa lạ trong các con số báo cáo của cơ quan chức năng ở các địa phương khác. Như ở Vũng Tàu, chỉ trong một năm số lượng tàu cá đã giảm đến 35%, đến cuối 2023, chỉ còn 1.447 chiếc.
Ngành thủy sản đóng góp quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Phía sau lĩnh vực đánh bắt, là sự phát triển mạnh mẽ của cả một chuỗi sản xuất sau khai thác. Riêng trong giai đoạn 2010 - 2020, Bà Rịa - Vũng Tàu xuất khẩu thủy sản sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga… trung bình 350 triệu đô la mỗi năm, đứng thứ 3 trên tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh. Trước đây, “hệ sinh thái nghề cá” đã được xây dựng trên một yếu tố quan trọng bậc nhất - ngư trường.
Làm ăn thua lỗ, tàu cá bán rẻ như cho về xả ra lấy gỗ ở cảng Phước Hiệp (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Nguyên Minh (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu).
Nhưng những năm gần đây nghề cá đã khó hơn rất nhiều, cả lĩnh vực đánh bắt và chế biến. Xuất khẩu thủy sản dù vẫn đạt mức hơn 207 triệu đô la vào năm 2023 nhưng có quá nhiều rào cản để tạo đà tăng trưởng trong thời gian tới. Không phải chỉ vì thẻ vàng của EC, mà ngư trường cạn kiệt mới là yếu tố cơ bản làm cho nghề cá đi xuống.
Tỷ lệ cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và chất lượng cá thuyên giảm trong từng chuyến biển. Nguyên liệu thủy sản cung cấp cho chế biến không đủ, làm doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Dịp Tết nguyên đán vừa rồi, hàng loạt doanh nghiệp phải chấp nhận từ bỏ hợp đồng làm ăn béo bở vì không tìm được nguyên liệu sản xuất.
Nếu biển cứ dồi dào tôm cá, ngư dân sẽ ăn nên làm ra, doanh nghiệp ăn nên làm ra. Và chắc hẳn sẽ trực tiếp tạo chuyển biến ý thức của ngư dân về việc tuân thủ ngư trường.
Phục hồi ngư trường để nghề cá phát triển bền vững là mấu chốt trong hoạch định chính sách phát triển bền vững ngành khai thác hải sản nói riêng, và ngành thủy sản nói chung.
Những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai đồng loạt các giải pháp, trong đó kiên quyết thực hiện chuyển đổi, loại bỏ các loại hình đánh bắt tác động xấu đến nguồn lợi. Những tàu giã cào phải nằm bờ, phải “xẻ thịt” bán phế liệu.
Ngư dân chấp nhận “của đau con xót” và đồng thuận về điều đó. Vì họ tin rằng, nếu không làm biển sẽ thêm cạn.
Không làm điều đó, thì làm gì để thấy lại những tỷ phú nghề cá trong tương lai?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.