Ở Thái Bình, nông dân nuôi cá mè nhiều bán đi đâu, để làm gì, sao đây lại là mô hình nông nghiệp tuần hoàn?

Thứ tư, ngày 07/06/2023 13:57 PM (GMT+7)
Tại những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, người ta gần như không bỏ đi thứ gì, ngược lại còn bắt rác thải “đẻ” ra tiền. Mô hình liên kết nuôi cá mè trắng làm nguyên liệu xuất khẩu của HTX SXKD lương thực, thực phẩm hữu cơ Ban Mai Bio, xã Dương Hồng Thủy (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)...
Bình luận 0

Nông nghiệp tuần hoàn là khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều nông dân tỉnh Thái Bình, đó là việc khai thác tối đa diện tích, không gian, nguồn nguyên liệu và phế phẩm để sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, vừa giúp giảm giá thành vừa tạo sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường. Đây là xu hướng của nông nghiệp hiện đại.

Tại những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, người ta gần như không bỏ đi thứ gì, ngược lại còn bắt rác thải “đẻ” ra tiền. Mô hình liên kết nuôi cá mè trắng làm nguyên liệu xuất khẩu của HTX SXKD lương thực, thực phẩm hữu cơ Ban Mai Bio, xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy) với Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Việt Trường (chi nhánh tại thành phố Hải Phòng) là một khởi động mới mẻ trong nông nghiệp tuần hoàn tại Thái Bình.

Ở Thái Bình, nông dân nuôi cá mè nhiều bán đi đâu, để làm gì, sao đây lại là mô hình nông nghiệp tuần hoàn? - Ảnh 1.

Chất thải chăn nuôi, cỏ, rơm rạ sau thu hoạch được ông Đoán, Giám đốc HTX SXKD lương thực, thực phẩm hữu cơ Ban Mai Bio (xã Dương Hồng Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) tận dụng làm thức ăn cho cá mè.

Triển khai từ tháng 8/2022, đến nay mô hình mở rộng diện tích 200ha tại các huyện trong tỉnh với trên 100 hộ tham gia. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Lưu Sỹ Đoán, Giám đốc HTX SXKD lương thực, thực phẩm hữu cơ Ban Mai Bio luôn không ngừng tìm tòi, phát triển những mô hình nông nghiệp độc đáo với cách thức chăn nuôi hữu cơ. 

Ông cho biết: Trước đây, HTX đã triển khai nhiều mô hình nuôi các loài cá nước ngọt truyền thống như chép, trắm, trôi... nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao do đầu ra bấp bênh. Với mô hình nuôi cá mè trắng liên kết này, các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp của Công ty sẽ hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi, đồng thời hỗ trợ 50% chi phí giống đối với một số hộ nuôi thí điểm giai đoạn đầu. 

Tuy mới đi vào thực hiện nhưng tôi tin rằng mô hình sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao bởi cá mè là loài cá sống tầng nước sâu, có tốc độ tăng trưởng tốt, ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu là tảo sản sinh từ chất thải chăn nuôi nên chi phí rất thấp. 

Ngoài ra, nuôi cá mè có thể kết hợp thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng truyền thống (trên bờ có thể nuôi lợn, gà, vịt, dưới ao nuôi cá), vừa có thể tận dụng tốt và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, vừa tận dụng, tiết kiệm được thức ăn nuôi cá, do chất thải trong quá trình chăn nuôi có thể xả xuống ao để phát triển tảo, tảo làm thức ăn cho cá. 

Đây cũng là mô hình giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường nước và môi trường khu vực khi bà con biết kết hợp hợp lý.

Là người trực tiếp nuôi cá trong 60 mẫu ao, ngoài nuôi cá thương phẩm, qua quá trình học hỏi, tìm tòi, hiện ông Đoán đã chủ động được con giống để cung cấp cho các hộ trong mô hình. 

Ông chia sẻ thêm: Ao thâm canh 100% cá mè cần độ sâu cao, nguồn nước sạch vì vậy thích hợp các vùng ven đê. Để tạo thành mô hình tuần hoàn, yếu tố quan trọng chính là chế phẩm sinh học sử dụng xử lý độc tố tích tụ đáy ao đồng thời chuyển hóa phế phẩm nông nghiệp (chất thải chăn nuôi, cỏ, rơm rạ) tạo thành nguồn thức ăn cho cá. 

Chế phẩm vi sinh tôi cũng tự sinh khối nên chi phí cho nuôi cá mè theo mô hình tuần hoàn gần như bằng không mà cá lại ít bệnh, lớn nhanh. Màu nước thể hiện hàm lượng dinh dưỡng, khi nước có màu xanh nõn chuối là đạt chuẩn, nhạt hay đậm hơn cần bổ sung thức ăn hoặc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý.

Nói về liên kết với Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Việt Trường, ông Đoán cho biết: HTX ký hợp đồng liên kết trong 10 năm, trong đó năm đầu sản lượng thu mua từ 1.000 - 2.000 tấn cá, năm sau tăng từ 5.000 - 7.000 tấn. 

Cá mè đạt trọng lượng từ 0,5 - 0,6kg/con đủ tiêu chuẩn xuất bán. Công ty thu mua về chế biến để xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu. Nhu cầu thu mua rất lớn nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm về đầu ra, tự tin phát triển và mở rộng quy mô nuôi.

Ở Thái Bình, nông dân nuôi cá mè nhiều bán đi đâu, để làm gì, sao đây lại là mô hình nông nghiệp tuần hoàn? - Ảnh 2.

Sử dụng chế phẩm vi giúp xử lý độc tố trong ao nuôi đồng thời tăng cường tảo - thức ăn cho cá mè tại ao nuôi của nông dân xã Dương Hồng Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Nguyễn Đình Dũng, xã Dương Hồng Thủy có 2 ao nuôi. Theo ông Dũng, tuy nuôi cá mè có nhiều ưu điểm như: không cần phải bỏ vốn đầu tư mua thức ăn vì loài cá này sống ở tầng nước sâu, chuyên ăn các loại tảo từ phân của các loại cá khác thải ra nên được ví như công nhân vệ sinh môi trường.

Song, do loại cá này ít được người tiêu dùng đón nhận, giá bán lại rẻ hơn nhiều so với các loại cá khác nên dù có nhiều ưu điểm, gia đình tôi cũng không dám nuôi. Tuy nhiên, khi HTX đứng ra ký kết hợp đồng với Công ty, gia đình tôi tham gia ngay. Sắp tới 2 ao của tôi cho thu khoảng 12 tấn cá.

Dự kiến, sau khi thu hoạch vụ cá mè đầu, HTX SXKD lương thực, thực phẩm hữu cơ Ban Mai Bio sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình để nhân ra diện rộng.


Ngân Huyền (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem