Giữa tháng 11, CTCP Tập đoàn FLC cho ra mắt thương hiệu mới nhất từ “họ FLC" – cổ phiếu FHH của CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes. Công ty này hoạt động với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là bất động sản trong cả 3 vai trò: chủ đầu tư dự án, phân phối dự án và vận hành dự án, CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes có định hướng trở thành thương hiệu đầu tư và phát triển bất động sản.
FLCHomes có dự định đưa cổ phiếu FHH lên thị trường UPCoM vào đầu năm 2020 với giá ngày giao dịch đầu tiên là 35.000 đồng/cp.
Cũng như những năm trước đây, năm 2019, cổ phiếu FLC đã mang lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư qua những phiên giảm sâu, tăng sốc. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu FLC và ROS đều đang lao dốc mạnh xuống đáy nhiều năm.
Trong năm 2019, nhà đầu tư liên tục “đau tim” khi chứng kiến sự biến động mạnh của FLC. Nếu như bắt đầu năm 2019, FLC khởi đầu suôn sẻ với mức giá hơn 50.000 đồng thì những ngày tháng tiếp theo, sự giằng co thể hiện rất rõ với xu hướng đi xuống rất nhanh. Đã có thời điểm vào giữa tháng 10, cổ phiếu FLC xuống vùng giá thấp nhất trong vòng 3 năm ở mốc hơn 3.000 đồng/cổ phiếu. Qua 2 năm, FLC đã mất tới hơn 10% giá trị.
Biểu đồ diễn biến cổ phiếu FLC năm 2019
Không may mắn như mã FLC khi diễn biến giá nhìn chung là có tăng - có giảm, năm 2019 lại là năm thực sự đáng buồn của cổ phiếu ROS khi giảm một cách thảm thương. Khởi đầu năm với mức giá khá “đẹp” gần 40.000 đồng/cổ phiếu nhưng quả thực “đời không như mơ” khi ROS “lao dốc không phanh” với mức giá ở thời điểm cuối năm 2019 chỉ loanh quanh ngưỡng hơn 20.000 đồng. Thê thảm hơn người anh em FLC, qua 1 năm ROS bay mất gần 40% giá trị.
Cũng trong năm 2019, ông Trịnh Văn Quyết đã bán không ít cổ phiếu ROS. Sau khi hoàn tất bán 70 triệu cổ phiếu FLC Faros vào đầu tháng 10, ông tiếp tục muốn bán thêm 21 triệu cổ phiếu công ty. Giao dịch nếu thành công sẽ giảm tỷ lệ sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết từ 55% xuống còn 51,3%. Đây là tỷ lệ đủ để chủ tịch FLC Faros nắm quyền kiểm soát công ty. Hiện số lượng cổ phần FLC Faros ông Quyết sở hữu là 312,2 triệu.
Nếu hoàn tất giao dịch mới, chỉ trong 3 tháng, ông Quyết sẽ bán đi 91 triệu cổ phiếu FLC Faros, tương đương 16% cổ phần doanh nghiệp.
Biểu đồ diễn biến cổ phiếu ROS năm 2019
Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi ngày có 12,4 triệu cổ phiếu FLC Faros được sang tay trên sàn chứng khoán. Đây chính là cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019.
Hơn 90% khối tài sản trị giá gần 8.200 tỷ đồng trên sàn chứng khoán hiện tại của ông Trịnh Văn Quyết đến từ số cổ phiếu FLC Faros. Trong khi đó, hơn 150 triệu cổ phiếu FLC, doanh nghiệp ông Quyết cũng đang làm chủ tịch HĐQT, có giá trị thị trường gần 700 tỷ đồng.
Từ tháng 3/2019, ông Trịnh Văn Quyết chính thức trở thành chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways. Khẳng định “làm hàng không, tôi không muốn làm chung”, ông đã đưa Bamboo Airways vào một cuộc chơi lớn, trở thành hiện tượng gây tranh cãi nhiều trong năm 2019.
Để chứng tỏ sự chơi lớn của mình, ông Quyết đã ký hợp đồng thỏa thuận mua 80 chiếc máy bay trong năm 2019; mở 3 tổng đại lý quốc tế tại Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản; hứa hẹn mở đường bay thẳng Việt – Mỹ, một điều mà nhiều chuyên gia đánh giá rằng không hề khả thi.
Cuối tháng 12, Hãng này cũng đón tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner, trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có tàu bay thân rộng trong đội hình cất cánh.
Ngay sau đó, ông Trịnh Văn Quyết cũng bàn giao lại chức CEO Bamboo Airways cho ông Đặng Tất Thắng, người từng giữ vai trò này từ ngày đầu thành lập.
Năm 2020, hãng hàng không của tập đoàn FLC đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần nội địa, khai thác 30 máy bay và nâng mạng bay lên 85. Bamboo Airways cũng đặt mục tiêu IPO, nâng vốn hóa lên 1 tỷ USD trong năm tới.
Trước những đánh giá cho rằng phần “chém gió” nhiều hơn phần thực thi, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC, Chủ tịch Bamboo Airways vẫn quả quyết “tôi là người nói nhiều và làm gấp nhiều lần nói".
Đánh giá một cách khách quan, sự ra đời của thương hiệu Bamboo Airways đã trở thành một hiện tượng của ngành hàng không Việt Nam, với tỷ lệ bay đúng giờ cao nhất toàn ngành, và cũng là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam định hướng dịch vụ theo chuẩn 5 sao quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.