2 năm trước, 90 tỷ đồng đã được dùng để vá những “hố bom” trên mặt cầu Thăng Long. Và bây giờ, lại thêm 100 tỷ nữa tiếp tục được ném ra vẫn để lấp các “hố bom”.
“Hỏng đâu vá đấy, hỏng đấy vá đâu, vá đâu hỏng đấy”- câu chuyện này hình như đúng không chỉ với cái mặt cầu Thăng Long. Bởi suốt tuần rồi, cái ụ tàu mà Vinalines nhập về đã “lên lão”, sự tiếp nối của con tàu Hoa Sen đồng nát liên tục được các đại biểu Quốc hội nêu ra như những điển hình cho việc dùng tiền thuế của dân để… nhập rác. 1,6 tỷ đồng được ném ra mỗi ngày khi mà cái ụ của Vinalines thậm chí còn chưa dùng được.
Đầu tháng trước, Báo Tuổi Trẻ đưa ra thông tin giật mình: Chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn 1,5 - 2 lần so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Đại lộ Thăng Long được đầu tư với 250 tỷ đồng/km. Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chi phí 9,9 triệu USD/km. Đường TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến chi phí 18,3 triệu USD/km. Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có chi phí xây dựng dự kiến … 28,2 triệu USD/km. Trong khi đó, chi phí xây dựng đường cao tốc tại Trung Quốc chỉ khoảng 6 triệu USD/km, tại Mỹ chỉ khoảng 8 triệu.
Hay là chúng ta đang thử nghiệm công nghệ đắt nhất thế giới?
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chính thức lên tiếng “xin nhận lỗi trước nhân dân” nhưng dường như ông sẽ còn phải xin lỗi nhiều nữa. Bởi ngoài chuyện Hoa Sen đồng nát, ụ tàu “lão làng”, mặt cầu “hố bom”... còn có những con đường đắt đỏ nhất thế giới nhưng chất lượng như... thời chiến. Hôm qua, đại biểu Quốc hội Lê Văn Học (Lâm Đồng) còn đề cập đến khía cạnh “chuột bạch” của những công trình hạ tầng giao thông nói riêng, và cơ sở hạ tầng nói chung.
Cầu Cần Thơ được tung hô là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á. Trước đó, cầu Bãi Cháy là cầu dây văng một mặt phẳng dây có chiều dài nhịp chính lập kỷ lục thế giới (435m). Hơn cả cầu Pháp (cầu Elorn với chiều dài nhịp chính 400m). Hơn cả cầu Mỹ (cầu Sunshine Skyway với chiều dài 366m). “Chúng ta muốn công nghệ mới nhất, dài nhất, hiện đại nhất, như các cầu dây văng. Nhưng kinh phí cho cầu dây văng gấp từ 1,5 - 2 lần so với cầu bê tông thông thường”- ông Học nói và khẳng định: “Chúng ta không phải là nơi thử nghiệm công nghệ mới, kỷ lục mới”.
Bởi công nghệ mới để làm gì khi “dăm bữa nửa tháng” lại phải chi hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng cho mặt cầu Thăng Long? Kỷ lục làm gì khi mà dân nghèo nhiều nơi còn phải leo cầu khỉ, thậm chí đu dây qua sông? Bởi vấn đề là có nên “tự sướng” với những cái nhất, những “kỷ lục khu vực”, “kỷ lục thế giới” về sự hoành tráng, hay nên xấu hổ với những kỷ lục đắt nhất tồn tại ở một đất nước còn nghèo?
Đào Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.