Malaysia “đánh tráo khái niệm” khi tố Việt Nam chọn bảng tại SEA Games 22
Vụ việc chủ nhà SEA Games 29 Malaysia được chọn bảng trong nhiều môn thi đấu đã nóng lên từ nhiều ngày nay. Đến hôm qua, ông Sieh Kok, Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Malaysia tiếp tục khẳng định rằng việc Malaysia có quyền tự chọn bảng đấu là điều không ai có thể can thiệp bởi họ có đặc quyền này. Ông này khẳng định, trước khi gửi điều lệ sơ bộ cho các Liên đoàn trong khu vực, Malaysia đã nhận được sự đồng ý của AFC.
Việt Nam chỉ coi quyền lựa chọn bảng đấu là thủ tục.
Thậm chí, ông Sieh Kok còn khẳng định, trong quá khứ Việt Nam hay Indonesia có đặc quyền tự chọn bảng đấu. Vì vậy, Malaysia có quyền tự chọn bảng đấu mà không phải bốc thăm như thường lệ: "Trong quá khứ, chủ nhà Việt Nam tại SEA Games 22 hay Indonesia tại SEA Games 26 cũng được chấp thuận cho tự chọn bảng đấu. Chúng tôi tự chọn bảng đấu không phải vì muốn giành chiến thắng. Điều này tốt cho sự phát triển của bóng đá khu vực”.
Thực tế liệu Việt Nam đã được chọn bảng đấu tại SEA Games 22? Theo tìm hiểu, đúng là Việt Nam được chấp nhận lựa chọn bảng đấu tại kỳ đại hội này. Nhưng vì chỉ có 8 đội được chia đều ra mỗi bảng, Việt Nam chỉ đơn giản là được chọn bảng A hay bảng B để thi đấu, điều khác hoàn toàn với cách chia bảng dành cho 11 đội như hiện tại. Và U23 Việt Nam khi đó chỉ đơn giản chọn bảng A để được thi đấu tại Hà Nội. Thậm chí, U23 Việt Nam khi đó còn gặp U23 Thái Lan, U23 Indonesia và U23 Lào, vốn được coi là bảng tử thần của năm ấy (bảng B gồm Malaysia, Singapore, Myanmar và Campuchia). Điều đó khiến môn bóng đá nam tại SEA Games 22 không chịu bất cứ đàm tiếu nào từ các nước trong khu vực, trong khi đó, Malaysia đang nhận nhiều phản đối.
Tờ Thể Thao và Văn Hóa nhận định, đây là trò “đánh tráo khái niệm” của chủ nhà Malaysia.
Tú Chinh và Ngọc Long được “thưởng nóng”
Ngày 29.6, hai VĐV điền kinh trẻ của TP.HCM Lê Tú Chinh và Cao Võ Ngọc Long đã được “thưởng nóng” sau thành tích xuất sắc tại Grand Prix châu Á, Giải vô địch trẻ châu Á và Giải vô địch trẻ Đông Nam Á trong năm 2017.
Cụ thể, thành tích của Tú Chinh (sinh năm 1997) là HCĐ nội dung 100m tại Giải điền kinh Grand Prix châu Á và 2 HCV (100m và 200m) tại Giải điền kinh Thái Lan mở rộng 2017, giải đấu chuẩn bị quan trọng trước thềm SEA Games 2017. Đặc biệt, thành tích chạy 100m của Tú Chinh tại Thái Lan (11,47 giây) đã vượt thành tích HCV SEA Games 2015 của Kayla Richardson (Philippines, 11,76 giây).
Trong khi đó, VĐV nhảy cao Cao Võ Ngọc Long đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong năm 2017 với HCV U18 châu Á, HCV trẻ Đông Nam Á,...
Với thành tích trên, mỗi VĐV đã được thưởng nóng 15 triệu đồng, trong đó Liên đoàn điền kinh TP.HCM thưởng 10 triệu đồng và Trung tâm TDTT Thống Nhất thưởng 5 triệu đồng.
Novak Djokovic không bị áp lực trước thềm Wimbledon
Tay vợt người Serbia rơi từ số 1 thế giới xuống thứ 4 và buộc phải vô địch Wimbledon nếu muốn đòi lại ngôi vị số 1 từ tay Andy Murray. Mặc dù vậy, “Nole” khẳng định anh không hề gặp vấn đề về tâm lý và hoàn toàn thoải mái trước thềm giải Grand Slam thứ ba trong năm.
Trượt ngã kinh hoàng, Konta vẫn đánh bại Kerber
Đánh bại Kerber với tỷ số 2-0 (6-3, 6-4) đã là một chiến tích đáng nhớ của Konta. Chiến thắng của tay vợt 26 tuổi này càng đáng khâm phục hơn khi cô đã gượng dậy sau một chấn thương hy hữu.
Cuối ván 2, thời điểm Konta đang dẫn 5-4, cô bất ngờ trượt ngã bật ngửa sau nỗ lực cứu một pha bóng. Đầu của Konta đập mạnh xuống đất và đó là một cú va chạm khá mạnh.
Tay vợt người Anh gần như nằm gục tại chỗ, đau đớn đến mức bật khóc và phải mất một lúc lâu sau đó mới gượng dậy được. Trận đấu mất đến 10 phút để Konta được điều trị chấn thương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.