Vài cái Tết gần đây, nhu cầu vẽ tranh trên dưa hấu được nhiều người ưa thích, xem như một thú chơi mới những ngày xuân. Và thế là, từ một họa sĩ, ông Ba Phương vác bút sắt ra ngồi góc phố vẽ tranh trên dưa hấu kiếm tiền tiêu 3 ngày Tết.
Cày… mùa Tết
Về lý, ông Ba Phương, ở cái tuổi hơn 70, những ngày Tết nhứt ở nhà hưởng phước từ con cháu. Nhưng do cuộc sống con cháu quá chật vật, ông bất đắc dĩ thành họa sĩ đường phố vẽ tranh trên dưa hấu.
Chiều cuối năm, ông Ba Phương ngồi cặm cụi ở một góc thị trấn nhỏ Đức Hòa vẽ tranh trên dưa hấu theo yêu cầu khách hàng.
Vài hôm nay, cứ 6g sáng, ông Ba Phương cặm cụi đạp xe từ một ấp nhỏ đến góc phố ở thị trấn Đức Hòa nơi có một bãi dưa hấu Tết của một thương lái. Khách thích vẽ gì ông làm đúng theo yêu cầu.
Với nhiều người, vẽ tranh trên dưa hấu chẳng có gì cực nhọc, nhưng với một người có tuổi như ông Ba Phương việc phải ngồi suốt từ sáng đến chiều tối để vẽ tranh thật sự là một công việc nhọc nhằn.
“Nghề này nhọc lắm chứ không chơi! Tối về ngả lưng mới thấy cả thân ê ẩm. Cột xương sống tê rần rần, mất phản xạ”, ông Ba thổ lộ.
Trong khi ông Ba Phương vắt chất xám mưu sinh 3 ngày Tết ở phố thị, thì ông Hai Dũng (Nguyễn Thanh Dũng) phải lao lực thi thố với trai tráng đào bới, bưng bê từng gốc mai vàng giữa đồng áng.
Lâu nay, cứ đến 25 Tết, ông Hai Dũng lại khăn gói từ Chợ Gạo (tiền Giang) lên Bình Chánh (TP.HCM) – địa phương có diện tích mai vàng lớn nhất phía Nam với 250ha, vận chuyển mai ăn công.
Trong hàng trăm thanh niên trai tráng đào bứng, khuân vác mai, ở cái tuổi 70, xem như ông Hai Dũng là người lớn tuổi nhất.
Liệu sức mình, ông Hai Dũng hạn chế bứng gốc, bưng mai mà tham gia nhóm trông chờ sức trẻ của các thành viên trong nhóm.
“Nghề này cực lắm, nhất là đụng phải những gốc mai lớn. Không chỉ đường khuân vác xa, mà vác những gốc cây này rất khó đi do nặng, cồng kềnh và đặt biệt là phải nhẹ tay để tránh cây rụng nụ hoặc động gốc”, ông Hai Dũng chia sẻ.
Năm nay, liệu sức mình, ông Hai Dũng hạn chế đi bứng hay khuân vác. Ông xin vào nhóm để nhờ đám trai trẻ nhận việc bứng, khuân mai. Đổi lại, sau khi chia tiền ông nhận phần ít hơn họ.
“Cuối ngày, mỗi thanh niên làm việc này kiếm 2 - 3 triệu đồng. Riêng tôi chỉ cần chia 500.000 đồng là vui rồi”, ông cười vui.
Cực mà vui
Theo ông Ba Châu, làm việc cực nhọc nhưng thu nhập mỗi ngày chẳng đáng bao nhiêu. Mỗi ngày ông vẽ hơn 100 trái dưa hấu nhưng tiền công chỉ khoảng 300.000 đồng.
“Chủ vựa dưa hấu thích cho bao nhiêu thì cho tui không đòi hỏi. Tui tự nhủ, làm việc này vừa có tiền vừa có thời gian ngắm thiên hạ chơi, sắm Tết, thấy trong lòng chứa chan không khí Tết”, ông tự an ủi.
Cụ Điền ở cái tuổi 86 vẫn cặm cụi gói bánh tét.
Tuy nhiên, ông cũng bộc bạch, đây là cái Tết đầu tiên và cũng là cuối cùng ông làm nghề vẽ tranh trên dưa hấu.
“Ngồi oải quá, nếu có làm nữa thì làm theo sức mình, vui là chính chứ không chăm chăm kiếm tiền ăn Tết nữa”, ông cười khì.
Cụ Nguyễn Thị Điền (xã Bình An, Thủ Thừa, Long An) – một thợ gói bánh tét trứ danh cũng cho rằng, tuổi già tham gia công việc mùa Tết vừa là kiếm tiền thêm, cũng là thói quen, thú vui.
Làng gói bánh tét Đức Hòa (Long An) lúc nào cũng rộn tiếng cười.
Tết nay, ở cái tuổi 86, cụ vẫn tham gia với chị em phụ nữ gói bánh tét ăn công. Mỗi đòn bánh gói xong được trả công 1.000 đồng.
“Tui làm nghề gói bánh tét từ thời con gái. Bánh ai gói dây gân (dây nylon) chứ tui vẫn gói bằng dây lác để bánh chặt và vừa đẹp nữa. Giờ tui vẫn làm nghề này tiền kiếm được để lì xì mấy đám cháu, nhưng cái chính là không quên được không khí gòi bánh tét Tết”, cụ Điền bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.