Uber và "lùm xùm" truy thu 66 tỷ đồng tiền thuế ở Việt Nam

Minh Mẫn Thứ ba, ngày 26/09/2017 16:06 PM (GMT+7)
Cuối tuần qua, truyền thông dẫn nguồn tin từ Cục thuế TP.HCM về sự kiện Uber bị truy thu thuế hơn 66 tỷ đồng. Điều này đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả. Độc giả Minh Mẫn (TP. Hồ Chí Minh) đã gửi tới Dân Việt bài viết, thể hiện quan điếm cá nhân của tác giả, là góc nhìn về pháp nhân của Uber và vấn đề nộp thuế tại Việt Nam.  
Bình luận 0

img

 Uber và sự kiện bị truy thu thuế ở Việt Nam (Ảnh: IT)

“Gia phả” nhà Uber

Tổ tiên của Uber là “Uber Technologies Inc.” sinh ra tại San Francisco, California, Hoa Kỳ. Tôi đặt tên cho nó là “Uber USA”.  “Uber USA” thành lập “Uber International C.V” tại Bermuda (một hòn đảo thuộc Anh ở Đại Tây Dương, gần lãnh thổ nước Mỹ). Tôi đặt tên cho nó là “Uber Bermuda”.  “Uber Bermuda” sinh ra “Uber B.V” tại Hà Lan. Người em song sinh của “Uber B.V” cũng được ra đời trên mảnh đất này, đó là  “Uber International B.V”. Cũng tại đây, “Uber International B.V” tiếp tục sinh ra “Uber International Holdings B.V”.

Năm 2014,  “Uber International Holdings B.V” đến TP. HCM và sinh ra doanh nghiệp thế hệ thứ 5 và đặt tên là Công ty TNHH Uber Việt Nam.

Như vậy, “Uber Việt Nam” gọi “Uber International B.V” (Hà Lan) là “bà ngoại” và gọi UBer Bermuda là “bà cố”. 

Chữ “B.V” sau tên công ty là từ viết tắt của “Besloten Vennootschap” có nghĩa là trách nhiệm hữu hạn. Nó giống như "GmbH" của Đức, "LLC" của Mỹ, "Ltd" của Anh, “BHD” của Mã Lai và “TNHH” của Việt Nam.

Pháp nhân khai thác dịch vụ ở Việt Nam

Mặc dù Uber đã thành lập pháp nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH Uber Việt Nam nhưng doanh nghiệp này không trực tiếp khai thác dịch vụ mà chỉ làm những việc do Uber B.V Hà Lan (em của “bà ngoại”, xem gia phả ở trên) uỷ quyền và tiếp thị, nghiên cứu thị trường. Pháp nhân trực tiếp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam là Uber B.V (Hà Lan), hoạt động dưới danh nghĩa nhà thầu.

Quyết định truy thu thuế của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh là áp dụng cho Uber B.V Hà Lan chứ không phải Uber VN.

img

Tác giả bài viết Minh Mẫn chia sẻ quan điểm về Uber với Dân Việt: (Ảnh tác giả cung cấp)

Vì sao Uber thành lập công ty con tại Hà Lan

Bermuda là thiên đường thuế. Tại đây, doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Đó là lý do Uber chọn nơi đây để thành lập pháp nhân. Uber Bermuda gần như không có nhân viên làm việc.

Hà Lan không đánh thuế đối với thu nhập từ tác quyền (royalty payment). Uber thành lập 2 công ty ở Hà Lan. Công ty này trả tiền tác quyền cho công ty còn lại. Uber B.V, công ty có thu nhập trực tiếp từ việc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam phải trả tiền tác quyền cho  Uber International B.V (Bà ngoại của Uber Việt Nam). Từ đây, thu nhập được chuyển về Bermuda để hưởng chính sách miễn thuế của quốc gia này.

Một lý do nữa là Hà Lan và Việt Nam có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần vào năm 1995.  Theo đó, Uber B.V đã nộp thuế thu nhập tại Hà Lan thì không phải nộp thuế thu nhập tại Việt Nam và ngược lại. Đây là lý do Uber lấy pháp nhân Hà Lan (Uber B.V) hoạt động tại Việt Nam chứ không lấy pháp nhân Việt Nam (Uber VN).

Uber BV nộp thuế tại Việt Nam như thế nào?

Uber chính thức hoạt động tại Việt Nam từ 2014. Uber Việt Nam cũng thành lập vào tháng 8.2014. Nhưng Uber không kê khai và nộp thuế tại Việt Nam. Đến tháng 10.2016, Uber B.V Hà Lan mới đăng ký kê khai thuế tại Việt Nam với mã số  thuế  là 0313994053.

Từ đây, Bộ Tài chính quyết định cách tính thuế đối với Uber B.V áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên tổng doanh thu. Theo đó, Công ty Uber Hà Lan sẽ được tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng theo tỷ lệ là 3%. Thuế Thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được tính theo tỷ lệ 2%.  Về phần thuế phải nộp của các tài xế, họ phải nộp theo tỉ lệ 3% đối với thuế GTGT và 1,5% đối với thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng.

Theo nội dung quyết định của Cục thuế TP. HCM thì số tiền hơn 66 tỷ đồng gồm số thuế của tài xế mà Uber B.V phải nộp thay hơn 40 tỷ đồng, thuế nhà thầu của Uber B.V hơn 10 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp và tiền phạt vi phạm hành chính. Số tiền thuế truy thu này là tính cho thời gian hoạt động từ 2014 đến 10.2016.

Uber trả thu nhập cho  tài xế hay tài xế trả thu nhập cho Uber?

Trước hết, Uber không phải là doanh nghiệp taxi mà tài xế là người làm công ăn lương nên không có chuyện Uber trả thu nhập cho tài xế. Trong trường hợp này, Uber là đơn vị trung gian môi giới giữa người cung cấp dịch vụ (tài xế) và người sử dụng dịch vụ (hành khách). Do đó, tài xế phải có nghĩa vụ trả cho Uber 20% doanh thu, khoản này được xem là tiền hoa hồng.

Mà nguyên tắc khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn thì tổ chức trả thu nhập phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế và kê khai nộp cho Nhà nước. Trong trường hợp này, tài xế phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế nhà thầu của Uber B.V. Nhưng hàng nghìn tài xế phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay cho Uber là không khả thi trong khi việc kê khai và nộp thuế cho bản thân họ còn chưa thực hiện được. Ở các quốc gia phát triển thì khác. Các tài xế Uber ở Úc phải tự kê khai và nộp thuế GST (goods and service tax).

img

Tài xế và  Uber , ai phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế?(Ảnh: IT)

Tài xế và  Uber , ai phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế?

Theo khoản 2, Điều 4, Chương 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì nhà thầu nước ngoài không có nghĩa vụ kê khai nộp thuế nhà thầu cho chính mình và tất nhiên cũng không thể kê khai, khấu trừ và nộp thay phần thuế của tài xế.

Theo công văn 2529/BTC-CST của Bộ Tài chính thì tài xế chạy Uber phải có nghĩa vụ khai thuế cho mình và khấu trừ nộp thay cho Uber theo quan điểm nêu trên. Nhưng điều này không khả thi tại Việt Nam.

Trước sự bất cập này, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 11828/BTC-CST để hướng dẫn. Theo đó, Uber B.V Hà Lan uỷ quyền cho Uber Việt Nam kê khai và nộp thuế thay. Đồng thời, Uber Việt Nam cũng khấu trừ và kê khai nộp thuế thay cho tài xế. Tuy văn bản này thiếu cơ sở pháp lý nhưng nó đã giải quyết được vấn đề về kê khai nộp thuế của Uber.

Tài xế có phải là người kinh doanh hay không?

Uber là mô hình của kinh tế chia sẻ. Uber huy động những người có xe nhàn rỗi tham gia để có thêm thu nhập. Như vậy, tài xế của Uber không phải là người kinh doanh chuyên nghiệp thường xuyên cung cấp dịch vụ này theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP. Do đó, cách tính thuế 3% GTGT và 1.5% TNCN áp dụng cho tài xế của Uber là không chính xác.

Mặt khác, nếu cho rằng tài xế Uber là người kinh doanh thì chỉ những người kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm mới phải nộp thuế. Do đó, sinh viên chạy xe khi có thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập (dưới 100tr/năm) mà phải nộp thuế 4.5% doanh thu là không phù hợp (Quy định tại khoản 2, Điều 1, Thông tư 92/2015/TT-BTC).

Nếu tài xế Uber không phải là người kinh doanh thì khoản thu nhập này gọi là thù lao. Mà thuế TNCN áp dụng cho thu nhập từ thù lao khi thu nhập từ 2.000.000 VND/lần trở lên. Trong khi đó, tài xế Uber không thể có thu nhập 2.000.000 VND/lần chở khách. Quy định này được hướng dẫn tại điểm i, khoản 1, Điều 25, Thông tư 111/2013/TT-BTC. 

Do đó, dù có xem tài xế là người kinh doanh hay không thì cách tính thuế đối với tài xế như công văn của Bộ Tài chính là thiếu cơ sở pháp lý.

Truy thu thuế có đủ căn cứ?

Số tiền truy thu hơn 66 tỷ là phần thuế của Uber B.V và của tài xế.  Đối với Uber B.V thì việc truy thu này là phù hợp.  Đối với tài xế thì việc truy thu này không có cơ sở. Cục thuế TP. HCM không có căn cứ cho rằng Uber B.V đã khấu trừ số thuế này từ tài xế và giờ nộp lại cho Nhà nước. Thực tế là Uber B.V đã không khấu trừ tiền thuế này từ tài xế từ 2014 đến 10.2016, mà không khấu trừ thì lấy đâu mà nộp lại. Còn nếu cho rằng Uber B.V đã sai khi không khấu trừ tiền thuế của tài xế thì cơ quan thuế có thể ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có đủ cơ sở pháp lý) đối với Uber B.V. Do đó, việc buộc Uber B.V nộp số tiền truy thu thuế của tài xế là không có căn cứ.

img

Uber và Taxi truyền thống, ai nộp thuế cao hơn? (Ảnh: IT)

Uber và Taxi truyền thống, ai nộp thuế cao hơn?

Thuế áp dụng cho Uber: GTGT: 3% - TNDN: 2% Thuế áp dụng cho taxi truyền thống: GTGT: 10% - TNDN: 20%.

Mới nhìn qua cứ ngỡ rằng Uber nộp thuế thấp hơn. Do áp dụng 2 phương pháp tính thuế khác nhau, một bên là trực tiếp và một bên là khấu trừ nên không thể so sánh được. Tuy nhiên, theo cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính thì Mai Linh và Thành Bưởi không phát sinh thuế GTGT phải nộp. Phần lớn doanh nghiệp taxi nộp thuế TNDN từ 0.01% đến 0.06% trên doanh thu. Cá biệt có Vinasun nộp thuế TNDN là 1.97% trên doanh thu (thấp hơn mức áp dụng cho Uber). Do đó, thực tế Uber vẫn nộp thuế cao hơn doanh nghiệp taxi khác.

Uber và tài xế ai nộp tiền nhiều hơn?

Theo cách tính thuế mà Bộ Tài chính quy định thì Uber nộp 5% trên doanh thu và tài xế nộp 4.5%. Mới nhìn cũng nghĩ rằng tài xế nộp thuế ít hơn. Nhưng số thuế phải nộp trên doanh thu của mỗi chuyến xe thì Uber nộp 1% trên doanh thu từ hành khách (5% x 20%) và tài xế nộp  3.6% trên doanh thu (4.5% x 80%).

Như vậy, số tiền thuế tài xế nộp cao hơn Uber 3.6 lần. Nói tới thuế ai cũng nghĩ Uber nộp chứ ít ai nghĩ là tài xế nộp. Nhưng thực tế các tài xế nộp nhiều hơn.    

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem