Trong bài bình luận được đăng tải trên tờ Kyivpost của Ukraine, hai chuyên gia nghiên cứu các vấn đề chính trị quốc tế là Joseph LeGasse and Sergei Konoplyov cho rằng, đã đến lúc Ukraine và các quốc gia Đông Âu nên nhận ra rằng không nước nào trong nhóm này là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Obama hay Lầu Năm góc.
Các chuyên gia này đặt ra câu hỏi: Ukraine, với tư cách là một quốc gia, một nhà nước độc lập thì có liên quan gì tới lợi ích quốc gia của Mỹ và Liên minh châu Âu để họ phải hỗ trợ Kiev tái thiết nền kinh tế, hiện đại hóa quân đội, đảm bảo về an ninh cho Ukraine trong đó bao gồm cả các vấn đề liên quan đến bán đảo Crimea? Câu trả lời là Không!
Ukraine chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Tổng thống Obama.
Điều này cũng không có gì làm lạ bởi trong một nghiên cứu về chiến lược an ninh của Mỹ công bố hồi tháng 1.2012 đã chỉ rõ, những ưu tiên hàng đầu của nước này trong thời gian tới là châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Trung Đông, giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống khủng bố và cắt giảm ngân sách.
Tổng thống Obama từng nói rõ với người đồng cấp Ukraine, Tổng thống Poroshenko trong chuyến thăm gần đây tới Mỹ rằng, Ukraine không phải là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ cũng như Bộ Quốc phòng nước này khi nó không đóng vai trò gì trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu mà Mỹ khởi xướng.
Ukraine càng không phải thành viên của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ lãnh đạo, và cũng đóng góp không đáng kể trong tiến trình ổn định lại nền kinh tế toàn cầu.
Hôm 10.10, chính Tướng Mỹ Wesley Clark, cựu Tư lệnh NATO, trong cuộc tranh luận tại Hội đồng Đại Tây Dương cũng nhận định, “NATO không cần Ukraine là một thành viên của liên minh” và “NATO không nên tiếp nhận Ukraine bởi đây là một quốc gia đặc biệt”.
Tướng Mỹ Wesley Clark cũng nhấn mạnh rằng, dù NATO có kế hoạch mở rộng liên minh nhưng chưa từng có kế hoạch kết nạp Ukraine.
Cựu Tư lệnh NATO thẳng thừng tuyên bố không cần Ukraine.
Trước đó, bất chấp lời đề nghị khẩn thiết của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhân chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9, Tổng thống Barack Obama cũng từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nhằm chống lại lực lượng đối lập.
Mặc dù Nhà Trắng có công bố một khoản hỗ trợ mới lên tới 46 triệu USD cho quân đội Ukraine, bao gồm các thiết bị vũ trang như radar quân sự, tàu tuần tra, áo chống đạn và 7 triệu USD cho các tổ chức nhân đạo, nhưng rõ ràng con số này chẳng thấm vào đâu so với số tiền khổng lồ mà Mỹ đã rót vào các khu vực nóng khác trên thế giới.
Mỹ cũng hứa huấn luyện 700 quân Vệ binh Quốc gia Ukraine, nhưng chương trình này chưa được thực hiện ngay lập tức mà còn phải chờ sang năm 2015.
Ngay cả việc mới đây, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua dự thảo “Luật ủng hộ tự do của Ukraine 2014”, xem xét mở rộng lệnh trừng phạt Nga, gia tăng viện trợ cho Ukraine, trong đó có cung cấp vũ khí gây sát thương. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khi nhiều lời hứa của Mỹ đối với Ukraine vẫn còn trên bàn giấy thì không có gì đảm bảo dự luật mới nói trên sẽ sớm đi vào thực tiễn.
Đã đến lúc Ukraine nên thay đổi?
Người còn "nặng lòng" với Ukraine trong thời điểm nay có lẽ là Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông này liên tục có những cuộc trò chuyện với Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko từ 4 đến 6 lần mỗi tháng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng, mối quan tâm của ông Biden với Kiev xuất phát không đơn thuần từ việc đại diện cho Washington mà còn vì những lợi ích cá nhân khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 đang bắt đầu nóng dần ở Mỹ.
Sau khi có thông tin, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ không tham gia vào cuộc đua tranh cử tổng thống của Đảng Dân Chủ năm 2016, thì việc phó Tổng thống Biden có ý định tận dụng Ukraine cho mục đích chính trị cũng là điều dễ hiểu.
Do vậy, đã đến lúc Ukraine nên thay đổi, thay vì tiếp tục làm con tốt thí trên bàn cờ chính trị Nga-Mỹ?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.