Canh bạc năng lượng của Tổng thống Putin có thể là con dao hai lưỡi đối với Nga

Minh Nhật (theo Reuters) Thứ sáu, ngày 09/09/2022 18:00 PM (GMT+7)
Việc Tổng thống Vladimir Putin dọa cắt hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng cho phương Tây trong khi xung đột ở Ukraine ngày càng ác liệt có thể là con dao hai lưỡi đối với Nga, theo Reuters.
Bình luận 0
Canh bạc năng lượng của Putin có thể là con dao hai lưỡi đối với Nga  - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin. Ảnh Reuters.

Ngay trước khi Liên minh châu Âu (EU) công bố giới hạn giá khí đốt của Nga vào thứ Tư 7/9, ông Putin đã đe dọa cắt nguồn cung cấp nếu các giới hạn đó được áp đặt.

Việc ngừng dòng khí đốt đến châu Âu của Nga - nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới sau Ả Rập Xê-út và nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, có thể sẽ tiếp tục khuấy động thị trường năng lượng toàn cầu và khiến nền kinh tế thế giới phải đối mặt với giá cả thậm chí còn cao hơn.

Ông Alexei Miller, Giám đốc điều hành của tập đoàn khí đốt khổng lồ do nhà nước Nga kiểm soát Gazprom cảnh báo vào tháng 8 rằng giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng lên tới 4.000 USD/nghìn m3. Giá dầu hôm 7/9 đang ở mức 2.200 USD/nghìn m3.

Nếu EU theo đuổi kế hoạch tự cắt giảm năng lượng Nga thì điều đó cũng sẽ gây tổn hại đáng kể cho Điện Kremlin.

"Việc giảm nguồn cung cho người tiêu dùng nước ngoài sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ thống do giá thấp trong thị trường nội địa vốn được bù đắp bằng doanh thu xuất khẩu", tài liệu chiến lược của Nga tại cuộc họp kín do Thủ tướng Mikhail Mishustin chủ trì ở Moscow vào ngày 30/8 được Reuters trích dẫn cho biết.

Tài liệu cũng nêu khả năng thiếu hụt ngân sách và nguồn kinh phí cho sự phát triển của ngành dầu khí của Nga.

Tài liệu nhấn mạnh, nếu EU từ bỏ khí đốt của Nga vào năm 2027, thì nguồn thu ngân sách của Moscow có thể giảm 400 tỷ rúp (6,55 tỷ USD) hàng năm vào năm 2030.

Theo tài liệu, nếu châu Âu từ chối mua khí đốt của Nga, Nga có khả năng bị giảm lượng khí đốt xuất khẩu vào khoảng hơn 100 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2027, tương đương gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2021.

Bán dầu và khí đốt cho châu Âu vốn là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Nga kể từ khi các nhà địa chất Liên Xô tìm thấy dầu và khí đốt tại các đầm lầy ở Siberia trong những thập kỷ sau Thế chiến thứ 2.

Theo các nhà phân tích, bản thân Tổng thống Putin cũng phải dựa vào năng lượng để khôi phục phần sức mạnh mà nước Nga đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu với phương Tây về vấn đề Ukraine, Tổng thống Putin rõ ràng đang chơi lại quân bài năng lượng để làm đòn bẩy nhằm chống lại hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ thống trị.

Ông Putin cũng nhiều lần tuyên bố, nếu châu Âu không muốn mua dầu và khí đốt của Nga, hoặc nếu họ cố gắng giới hạn giá, thì Nga sẽ chuyển nguồn cung cấp khổng lồ của mình cho các cường quốc châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, để làm như vậy, Nga cần phải đẩy nhanh việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt của họ về phía đông.

"Sức mạnh Siberia 1" là đường ống dẫn khí đốt lớn duy nhất của Nga tới Trung Quốc. Dự kiến đường ống sẽ cung cấp 16 tỷ m3 khí đốt của Nga cho Trung Quốc vào năm 2022, tương đương 11% nguồn khí đốt Moscow thường xuất khẩu sang châu Âu mỗi năm.

Trong khi đó, đường ống "Sức mạnh Siberia 2" cũng dẫn khí đốt từ Nga tới Trung Quốc hiện chưa được hoàn thành.

Từ đó, nếu châu Âu có thể tìm ra các giải pháp thay thế cho năng lượng của Nga, thì Moscow sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể.

Mặc dù Gazprom đang hoạt động tốt, với lợi nhuận kỷ lục 2,5 nghìn tỷ rúp trong 6 tháng đầu năm 2022, tập đoàn này cũng đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong dài hạn. Các nhà phân tích cho biết, nếu không thể bán khí đốt cho châu Âu, công ty khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới về trữ lượng này có thể phải đóng băng các giếng dầu hoặc đốt bỏ bớt khí đốt.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem