Ukraine nói gì sau cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Belarus?

Lê Phương (Newsweek) Thứ tư, ngày 21/12/2022 11:06 AM (GMT+7)
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 19/12, một quan chức Ukraine đã lên tiếng.
Bình luận 0
Ukraine nói gì sau cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Belarus? - Ảnh 1.

Ông Kuleba chia sẻ ý kiến về cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Lukashenko. Ảnh: Getty

"Theo thông tin có sẵn, không có quyết định quan trọng nào được đưa ra tại cuộc họp này. Bất kể điều gì xảy ra, chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi kịch bản", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến, theo The Moscow Times.

Cuộc gặp giữa ông Putin và ông Lukashenko diễn ra trong bối cảnh các hoạt động quân sự ở Belarus gia tăng. Hãng thông tấn Interfax, trích dẫn Bộ Quốc phòng Nga, đưa tin hôm 19/12 rằng quân đội Nga sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Belarus. Belarus cũng tuyên bố vào tuần trước rằng quốc gia này sẽ tiến hành kiểm tra nhanh khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, Reuters đưa tin.

Mặc dù không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine, Belarus đã hỗ trợ Nga bằng cách cho phép Moscow triển khai quân và tiến hành các cuộc tấn công từ bên trong lãnh thổ của mình.

Các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến khác nhau về việc liệu ông Kuleba có đúng hay không khi bác bỏ những tác động tiềm tàng của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Tiến sĩ Michael Butler, phó giáo sư tại khoa khoa học chính trị của Đại học Clark, nói với Newsweek rằng động thái này "có thể phản ánh sự dũng cảm từ phía Ukraine".

Ông Butler nói: "Các hoạt động rầm rộ gần đây ở Belarus là khá đáng kể. Tuy nhiên, phân tích tình báo và quốc phòng gần đây nhất về năng lực quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Belarus cho thấy việc nước này tham chiến sẽ khó có thể thay đổi cục diện chiến sự".

Trong khi đó, Michael Kimmage, giáo sư và chủ nhiệm khoa lịch sử của Đại học Công giáo Mỹ, tin rằng việc cả quân đội Belarus và Nga tham gia chiến đấu dường như không có khả năng xảy ra. Ông đề cập đến việc Nga rút quân khỏi thành phố Kherson vào tháng trước, cũng như nỗ lực kéo dài nhiều tháng của Nga nhằm chiếm giữ thành phố Bakhmut ở khu vực phía đông Donetsk.

Mặt khác, Jonathan Katz, giám đốc sáng kiến dân chủ và thành viên cao cấp của Quỹ Marshall ở Mỹ, nói với Newsweek ông tin rằng có lý do để lo ngại về việc Nga có khả năng mở ra một mặt trận mới hoặc tung ra một nỗ lực mới nhằm kiểm soát thủ đô Kiev của Ukraine.

"Chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không thể mất cảnh giác ở mặt trận phía bắc, ông Katz nói. "Việc Belarus trực tiếp tham gia vào xung đột là điều mà ông Lukashenko chắc chắn muốn tránh, nhưng ông ấy có thể sẽ phải chịu sức ép".

Ông Katz nói thêm: "Người Belarus dường như không muốn tham gia vào cuộc xung đột này, vì vậy đó là lý do tại sao Điện Kremlin phải thực sự ép buộc ông Lukashenko hành động. Ông Lukashenko dường như quan tâm đến việc bảo toàn sức mạnh của mình hơn bất cứ điều gì khác".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem