|
Ông Trần Ngọc Tăng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam |
Hội Chữ thập đỏ là đơn vị tiếp nhận khá nhiều tài trợ cho người nghèo, nhất là tài trợ ăn Tết. Tuy nhiên, trong đó có một số “tài trợ ảo”, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Đây là việc làm đang gây nhức nhối dư luận, chúng tôi đã nhắc nhở doanh nghiệp đó, thậm chí gặp cả cơ quan chức năng quản lý doanh nghiệp đó để phản ánh và yêu cầu kiểm soát.
Trong hơn 80 triệu dân, có vô vàn những tấm lòng nhân ái, nhưng trường hợp như vậy thật khó lường trước.
Ông có thể cho biết một vài vụ việc cụ thể?
- Sự việc nhiều người quan tâm nhất là vừa qua, một công ty truyền thông tổ chức đấu giá một số mặt hàng tại "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung", đã mời bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh tới nhận tiền ủng hộ. Số tiền được công bố hàng chục tỷ đồng nhưng đến nay, ông chủ doanh nghiệp này đã “bỏ của chạy lấy người”. Tôi nghĩ đó là điều đáng buồn…
|
Bức tranh đá quý bị đấu giá ảo tại Đêm hội Hoa hậu Trái Đất và doanh nhân hướng về đồng bào miền Trung lũ lụt. |
Vậy còn sự việc ủng hộ “giẻ rách” ở miền Trung vừa qua, ông có thể giải thích rõ hơn vì sao lại xảy ra như vậy?
- Đó là sự việc xảy ra ở Nghệ An, phải nói thật là tấm lòng của nhân dân rất đáng quý… Ngoài hàng hoá còn có 300 tấn quần áo cũ được gửi tới đồng bào miền Trung. Tuy nhiên, trong đó có vài tạ quần áo còn rách.
Khi đang tiến hành phân loại tại Nghệ An, một số lái xe mang quần áo rách đó về nhà, chưa sử dụng. Sự việc chỉ có thế. Đây là việc không lớn nhưng Hội cũng phải rút kinh nghiệm và chỉ đạo chặt chẽ từ dưới, nếu thu quần áo ủng hộ là phải thu quần áo dùng được.
Vậy Hội có biện pháp gì để khắc phục những hiện tượng này?
- Thực tế, các chương trình của Hội luôn được triển khai rất chắc chắn. Như vừa qua triển khai Chương trình tài trợ qua tin nhắn, chỉ 1 tháng người dân nhắn tin vào số Tổng đài 1400 đạt tới 21 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Trung ương Hội. Còn trường hợp đáng tiếc vừa qua là do công ty truyền thông tổ chức, chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Theo tôi, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái, phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam hướng tới cộng đồng.
Tết Nguyên đán sắp đến, việc sử dụng tiền tài trợ lo Tết sẽ thế nào, thưa ông?
- Kể từ năm 1999 đến nay, mỗi khi Tết đến xuân về, Hội đều phát động chương trình Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Có thể nói, phong trào đạt được kết quả rất tốt. Năm 2009, vận động được 156 tỷ cho người nghèo, năm 2010 đạt 188 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến đạt 200 tỷ đồng. Lãnh đạo T.Ư Hội đích thân đi phát quà. Bản thân tôi vừa đi thăm Tây Nguyên và 4 tỉnh Tây Nam bộ để tặng quà cho người nghèo, mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.