Hình ảnh bé gái 11 tuổi ngày nào cũng ngụp lặn trong bùn lầy hái sen mang về bán đã quá quen thuộc với người dân Quận Bình Tân, TP.HCM. Em là Nguyễn Hồng Thanh, con gái của một người đàn ông nằm liệt giường vì chứng bệnh viêm xương.
Con thay mẹ gánh trọng trách nuôi cha
Lặng người trước câu chuyện của Thanh, phóng viên Dân Việt đã đến tận nơi gia đình em sinh sống để lắng nghe những chia sẻ của cô gái nhỏ.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến căn chòi dựng tạm bằng những mảnh tôn cũ của ông Nguyễn Văn Thành- cha cô bé. Căn nhà xiêu vẹo núp sau lùm cây dại cao quá đầu người, nép bên lề một con đường đất của xóm ngụ cư phường Bình Trị Đông B. Nằm giữa trung tâm thành phố nhưng dường như xóm nhỏ sống khép mình trong sự hẻo lánh, tàn tạ và rách nát, bất đắc dĩ lắm mới có người ghé thăm.
Căn nhà xiêu vẹo của cha con Thanh
Không bất ngờ với sự xuất hiện của phóng viên, ông Thanh gượng người tiếp chuyện với chúng tôi trong lúc đợi cô con gái đi hái sen về. Người đàn ông gầy tong teo nằm trên tấm phản mục, với vẻ mặt chán trường, ông Thành nói: “Chắc mọi người cũng đã nghe câu chuyện gia đình tôi. Tôi mắc căn bệnh quái ác này nhưng gia đình nghèo nên đành phó mặc số phận, chẳng cầu cứu, chạy chữa gì nữa. Chỉ tội cho con gái, cháu không có tuổi thơ như những đứa trẻ khác, suốt ngày quanh quẩn bên ao sen, kiếm tiền nuôi tôi.”
Người cha ngậm ngùi kể lại tuổi thơ đẫm nước mắt của cô con gái nhỏ: “Tôi và vợ quen nhau tính đến giờ cũng được 18 năm, chúng tôi cưới nhau ở Bến Tre rồi lên Sài Gòn lập nghiệp. Trước cửa nhà có con kênh nên hai vợ chồng rủ nhau trồng sen hái hoa bán. Kinh tế ổn lắm, rồi Thanh ra đời. Hạnh phúc với tôi rất trọn vẹn cho đến một ngày cách đây 5 năm, bỗng dưng vợ tôi bỏ nhà đi, ôm theo đứa con gái vừa vào lớp 1.”
Đau đớn, buồn bã trước sự đổ vỡ của gia đình, ông Thành ốm một trận “thập tử nhất sinh”, toàn bộ gia sản tiên tan vào tiền chữa bệnh. Đặc biệt, sau khi ốm dậy, ông Thành không ăn được cơm chỉ ăn rau để sống qua ngày. Dần dần, sức lực của người đàn ông kiệt quệ dẫn đến căn bệnh viêm xương rồi teo cả chân và tay.
Tưởng chừng quãng đời sau này của ông chỉ là những ngày nằm dài đợi chờ cái chết thì cách đây 2 năm, vợ ông gửi Thanh về cho chồng chăm sóc.
Người cha bệnh tật và cô con gái nhỏ
Ông Thành tâm sự trong nước mắt: “Gặp con gái tôi mừng lắm, nhưng nhìn lại bản thân mình biết lấy gì để nuôi con. Từ ngày theo mẹ, con bé đã không được đi học, giờ tôi như thế này cũng chẳng lo được cho nó. Lúc đầu, tôi còn đi lại được, còn làm một vài việc vặt kiếm tiền ăn, nuôi con. Nhưng hơn 1 năm nay không còn sức khỏe nữa. Ngày ngày, con bé phải ra kênh hái sen đi chợ bán, đủ mua ít rau cỏ ăn qua ngày. Chuyện học hành đâu dám mơ đến.”
Tập đọc, tập viết mong một ngày được đến trường
Tầm trưa, chúng tôi đã được gặp nhân vật chính trong câu chuyện “cô bé bán sen kiếm tiền nuôi bố”. Thân hình gầy guộc, nước da đen và đôi chân bong tróc vì ngày ngày phải lội kênh rạch là hình ảnh xót xa của bé gái 11 tuổi.
Không được đến trường và sống thu mình trong căn nhà tạm khiến Thanh có phần nhút nhát hơn những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Mất một thời gian làm quen, em bắt đầu chia sẻ. Thanh nói: “Sáng dậy, em ra kênh trước nhà hái sen rồi mang ra chợ hoặc lề đường bán. Một bông tầm hai ngàn, mỗi ngày em bán được 20-30 bông. Có những ngày sen không nở, hai bố con lại ăn tạm qua ngày.”
Hỏi Thanh có biết đọc chữ không, em trả lời dứt khoát: “Có ạ. Em đọc được. Em vẫn đọc trên báo, đọc mọi nơi. Em biết viết chữ nữa, rảnh thì em tập viết bằng phấn, bằng gạch không thì viết lên nền đất.”
Người trong xóm vẫn thấy hình ảnh cô bé cầm trên tay cuốn sách Tiếng Việt lớp 1, đọc đi đọc lại miệt mài từng câu chữ suốt hai năm qua. Cuốn sách em giữ lại từ ngày vẫn còn được đi học. Kỉ niệm về trường lớp là một kí ức đẹp trong trí nhớ của cô gái nhỏ.
Cô bé với thân hình gầy guộc, nước da đen và đôi chân bong tróc
Thanh tâm sự: “Đến trường vui lắm ạ, có cô giáo dạy rồi kèm viết, được học nhiều thứ và có bạn để chơi cùng. Em không đi học nhưng các bạn trong xóm vẫn giúp em học đọc, học viết. Em sẽ cố gắng học theo các bạn.”
Thanh dường như vẫn chưa ý thức được những thiệt thòi mà bản thân mình đang phải trải qua. Ánh mắt sáng lên khi em nhắc đến chuyện sách vở.
Hoàn cảnh gia đình Thanh khiến người dân trong vùng e ngại, nhiều người đã làm đơn lên phường mong chính quyền giúp đỡ gia đình em nhưng không một hồi đáp vì cha con ông Thành là người vô gia cư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.