Hơn 10 năm nay, người dân ở thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã quá quen với hình ảnh một "chú lùn" ngày ngày lăn lộn, lật bới từng đống rác trong ngõ phố để nhặt nhạnh những vật dụng còn chút ít giá trị đem bán kiếm tiền nuôi cha. Câu chuyện về tình cha con vượt lên số phận đã làm rung động bao trái tim của những khách qua đường và trở thành một câu chuyện cổ tích giữa đời thường phố thị.
Nghiệt ngã đời người
Chúng tôi tìm đến "mái lều tranh" của hai cha con ông Phùng Gia Cúc nằm sâu trong một con ngõ nhỏ thuộc tổ dân phố số 3, phường Đồng Tâm (TP.Vĩnh Yên) trong một buổi chiều nhập nhoạng. Gọi là nhà nhưng thực chất đây chỉ như một cái lều che mưa nắng và cũng là nơi tập kết đủ thứ đồ "đồng nát, ve chai".
|
Chú lùn dọn dẹp bìa các tông, thu gom rác sau ngày làm việc |
Ngay từ ngoài cửa, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một ông già gầy guộc, tóc bạc phơ đang lập cập xếp những mảnh bìa các tông mà người ta thường thấy vứt trong đống rác thành từng chồng ngay ngắn. Có lẽ đây là thành quả lao động mà người con tật nguyền Phùng Gia Đinh của ông vừa mới mang về.
Thấy có khách đến chơi, Đinh lũn cũn chạy ra đón với nụ cười vẫn in hằn mệt mỏi. Dù ở tuổi 35 nhưng Đinh chỉ cao khoảng 90cm, nặng ước chừng 20kg, quần áo xộc xệch, ố màu, lấm lem bùn đất.
“Tôi lang thang khắp các ngõ phố tìm phế liệu, ngày nào chịu khó nhặt và gặp vận may thì được khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Tiền kiếm được chẳng đáng là bao nhưng đó là nguồn thu nhập chính cho 2 cha con sống qua ngày".
Sau khi mời khách vào nhà, Đinh lúi cúi đỡ cha già đứng dậy. Nhấp một ngụm chè nguội đỏ lòm, đặc sánh, ông Phùng Gia Cúc (75 tuổi) bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời ông từ thời điểm ông gặp người vợ thảo hiền trong một đợt đi tình nguyện đắp đê chống lụt cách đây 45 năm về trước.
Đồng cảnh ngộ nghèo khổ với nhau, ông bà đã nên nghĩa vợ chồng rồi lần lượt sinh 4 người con trong 10 năm chung sống.
Dù cuộc sống lúc đó rất khó khăn nhưng trong căn lều rách nát của ông Cúc luôn tràn ngập tiếng cười. Năm 1977, ông bà sinh thêm một cậu con trai kháu khỉnh trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" thì tai ương đã dồn dập đổ xuống. Vợ ông Cúc phát hiện bị ung thư dạ dày phải nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Cậu con trai mới sinh thiếu sữa mẹ, bị suy dinh dưỡng nặng, một bên xương sườn bị lệch cùng với khối u choán hết một bên tai. Bao vất vả, lo toan đè nặng lên vai ông Cúc. Những ngày tháng lo lắng, căng thẳng kéo dài khiến ông lâm vào tình trạng hoảng loạn, phải nằm điều trị dài ngày ở Bệnh viện Vĩnh Yên.
Vốn khốn khó, nhà neo người, con còn nhỏ, liền một lúc cả 3 người lâm bệnh khiến gia đình ông rơi vào cảnh cùng quẫn. Cũng vì khó khăn không có tiền để chạy chữa nên bệnh tình của cả nhà ngày càng xấu đi. Một năm sau ngày phát bệnh, người vợ của ông qua đời để lại đứa con thơ chưa kịp có một chút ký ức về người mẹ.
Nhắc lại chuyện cũ, người đàn ông bất hạnh ứa nước mắt: “Hai năm sau, tôi có đi bước nữa mong có người chăm lo cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, bà hai cũng sớm bỏ hai cha con tôi ra đi. Các con cứ đủ sức thì vào miền Nam kiếm kế sinh nhai, ở nhà chỉ còn tôi với thằng lùn rau cháo nuôi nhau”.
Cuộc sống thiếu thốn, lại thêm đau ốm thường xuyên khiến cậu bé Phùng Gia Đinh không thể sống như những đứa trẻ bình thường. Cho đến nay, dù đã 35 tuổi nhưng Đinh vẫn như đứa trẻ lên 5.
Mưu sinh từ rác
Với ngoại hình không được khỏe mạnh như người bình thường nhưng thương cha tuổi già sức yếu, suốt hàng chục năm nay, "chú lùn" Đinh luôn ở cạnh chăm sóc và lê đôi chân ngắn ngủn đi khắp hang cùng ngõ hẻm để nhặt rác nuôi cha.
Hằng ngày, cứ vào khoảng 7g sáng là người dân Lạc Ý lại thấy hình ảnh "chú lùn" quen thuộc lê từng bước chân khó nhọc ra quốc lộ nhờ người đi đường cho quá giang đến “nơi làm việc”.
|
Ông Cúc ngồi đếm những đồng tiền lẻ mà chú lùn kiếm được trong ngày |
Cũng có những hôm không ai cho đi nhờ, Đinh lại lầm lũi đi bộ 5km đến chợ Vĩnh Yên để bắt đầu công việc của mình. Đến chiều tối, người cha già lóc cóc đạp xe đi dọc quốc lộ tìm con để rồi cùng trở về nhà khi trời tắt nắng.
Trước khi gắn bó với nghề nhặt rác, "chú lùn" Đinh cũng đi xin việc ở nhiều nơi nhưng không ai nhận Đinh vào làm vì thiếu chiều cao, cân nặng. Năm 1995, ông chủ một đoàn xiếc từ miền Nam ra Vĩnh Yên biểu diễn gặp Đinh cứ nằng nặc xin ông Cúc cho "chú lùn" tham gia đoàn xiếc và hứa sẽ dạy cho Đinh những chiêu hốt tiền thiên hạ. Nghĩ tới cuộc sống của con sẽ được sung sướng nên ông Cúc đồng ý nhưng Đinh lại một mực từ chối vì lo cha già yếu ở nhà không có ai chăm sóc.
Cũng vì khó khăn không có tiền để chạy chữa nên bệnh tình của cả nhà ngày càng xấu đi. Một năm sau ngày phát bệnh, người vợ của ông qua đời để lại đứa con thơ chưa kịp có một chút ký ức về người mẹ. Nhắc lại chuyện cũ, người đàn ông bất hạnh ứa nước mắt: “Hai năm sau, tôi có đi bước nữa mong có người chăm lo cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, bà hai cũng sớm bỏ hai cha con tôi ra đi. Các con cứ đủ sức thì vào miền Nam kiếm kế sinh nhai, ở nhà chỉ còn tôi với thằng lùn rau cháo nuôi nhau”.
Hoàn cảnh gia đình ngày càng túng quẫn, Phùng Gia Đinh theo chân mấy đứa trẻ đi nhặt rác rồi sống chết với cái nghề chẳng ai mong muốn này. Đinh tâm sự: “Tôi lang thang khắp các ngõ phố tìm phế liệu, ngày nào chịu khó nhặt và gặp vận may thì được khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Tiền kiếm được chẳng đáng là bao nhưng đó là nguồn thu nhập chính cho 2 cha con sống qua ngày".
Người bình thường đi làm đã khó, một người lùn đi làm còn khó hơn nhiều lần. Những ngày mưa gió, rét mướt không kiếm được gì thì tối hôm đó hai cha con phải nhịn đói. Không chỉ có thế, Đinh rất hay gặp tai nạn khi đi nhặt rác.
Khi thì bị chó cắn, khi thì công nông tông phải, khi thì bị sự trêu đùa ác ý của người đời. Đinh ấm ức: “Có những hôm tôi bị bọn thanh niên cướp mất bao tải đựng rác bán uống rượu mà không thể làm gì được. Tôi dầm mưa dãi nắng ngoài đường kiếm vài đồng bạc mà bọn chúng cũng không tha”.
Chẳng mấy khi có người lạ đến nhà chơi, cha con ông Cúc nhất định giữ chúng tôi lại ăn bữa cơm đạm bạc với gia đình. Trong ánh đèn tù mù, mâm cơm có độc một đĩa lạc rang mặn cháy cùng một đĩa rau dền luộc nhừ. "Chú lùn" Đinh vui vẻ: "Thế này là tươm tất lắm rồi cô ạ. Những hôm không kiếm được, tôi và cha tôi cũng chỉ dám mua ổ bánh mì chia nhau ăn cho qua bữa”.
Ông Cúc nói thêm: “Từ khi mẹ nó mất, ăn uống kham khổ quen rồi. Ngày nó còn nhỏ phải lên tận Lào Cai, Yên Bái mua sắn khô về ăn chứ làm gì có cơm trắng như bây giờ. Đi làm kiếm được bao nhiêu tiền, nó đều dành dụm mua thuốc cho tôi cả”.
Có lẽ vì thiếu ăn từ nhỏ hoặc do thân hình "khiêm tốn" nên Đinh ăn rất ít. Sáng nhịn đói đi làm, trưa không ăn, tối chỉ ăn lưng bát cơm, đi đường ai cho thứ gì thì đều để dành mang về cho cha. “Thật không ngờ đứa con bệnh tật này lại là đứa hiếu thảo nhất, đến giờ vẫn chỉ có nó là đứa để tôi nương nhờ lúc gần đất xa trời này” - ông Cúc cười chua xót.
Hiểu và thương cho số phận của "chú lùn", nhiều người dân tốt bụng ở Vĩnh Yên đều dành dụm những bịch ni lông phế liệu đợi Đinh đi qua thì cho. Ông Cúc cho biết, các cơ quan chức năng cũng giúp đỡ hai cha con một số tiền trợ cấp hằng tháng. Số tiền này Đinh nhất quyết không sử dụng mà để dành nhằm phụng dưỡng cha già lúc cơn đau yếu.
Mong muốn lớn nhất của Đinh là kiếm được thật nhiều tiền để xây một căn nhà 2 tầng khang trang để cha già được an hưởng phần đời còn lại. Thế nhưng ước mơ đó qua xa vời khi tiền thuốc cho mình, cho cha còn là một gánh nặng quá lớn đối với gã trai mang thân hình của đứa trẻ lên năm.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.