Ước mong cuối đời của vợ liệt sĩ

Chủ nhật, ngày 07/08/2011 14:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến thăm nhà bà Hoàng Thị Lan (88 tuổi) - vợ liệt sĩ Vương Sĩ Thược, tại H513 đường Hoàng Diệu, tổ 13, phường Hoà Thuận Đông, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước gia cảnh của bà.
Bình luận 0

Ngôi nhà - thực ra chỉ là căn phòng gần 20m2 nằm sâu trong kiệt hẹp, tối om. Trong phòng chỉ có 1 chiếc giường đôi và 1 cái chõng nhỏ, dụng cụ để nấu chè nằm la liệt. Khu bếp và khu vệ sinh nằm sát nhau, chật chội. Chị Hoàng Thị Như Mai - cháu gọi bà Lan bằng cô kể cho chúng tôi nghe trong nước mắt vắn dài: “Nhà chẳng đàng hoàng gì nhưng nếu là sở hữu của riêng mình thì cũng được. Đằng này…”.

img
Bà Hoàng Thị Lan và cháu gái.

Câu chuyện của chị Mai kéo mọi người về những năm chống Pháp. Ngày ấy, chồng bà Lan là Vương Sĩ Thược - Chủ tịch Ủy ban Tiểu khu Quảng Đà, bị địch bắt và chặt đầu đem treo tại phường Thạc Gián, Đà Nẵng. Bà chứng kiến cảnh chồng bị hành hình, xót xa như đứt từng khúc ruột nhưng không dám ra nhận xác chồng về chôn cất vì chắc chắn sẽ bị chúng bắt. Để tránh sự dòm ngó của địch, bà vào Nha Trang ở, tiếp tục hoạt động cách mạng. Công lao của bà trong kháng chiến đã được ghi nhận với tấm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2006.

Khi thấy tình hình yên ắng, bà về lại Đà Nẵng, làm nghề bán kẹo, bánh ở chợ Mới với hy vọng tìm được hài cốt chồng mình. Hơn 30 năm bà ở nhờ nhà anh trai trong căn phòng 6m2, không điện đóm, gần nhà vệ sinh hôi hám nên bà đau ốm luôn. Mắt kém, tai điếc, chân run, vậy mà có lúc bà phải đi lang thang ngoài đường tìm nhà bà con xin ở tạm.

May mà có người cháu gái là Hoàng Thị Như Mai lo cho cơm nước hàng ngày. Năm 2005, em trai chị Mai bán nhà của cha mẹ để lại, chia cho hai cô cháu 160 triệu đồng. Chị Mai dốc toàn bộ số tiền mua căn phòng nhỏ này nhưng cuối cùng mới biết bị lừa vì ông chủ đã thế chấp toàn bộ ngôi nhà, trong đó có căn phòng chị Mai.

Khi được hỏi sao không xin đất thành phố theo chế độ gia đình chính sách, chị Mai lấy ra một xấp đơn xin mua căn hộ chung cư mà chị đã gửi từ năm 2005, có lời phê và chứng thực của UBND phường. Cuối năm 2010, chị lại nộp đơn ở Sở LĐTBXH một lần nữa, vẫn còn lưu giấy nhận, nhưng vẫn không thấy kết quả. Bà Lan thều thào: “Ước mong cuối cùng của tôi là xin thành phố một căn hộ chung cư để sống những ngày cuối đời, chồng tôi cũng có nơi thờ phụng tử tế. Vậy thôi”.

Vùi lửa nồi chè xong, chị Mai cho bà Lan uống thuốc, ân cần dìu bà nằm xuống, lấy khăn lau nước mắt cho cô và cả cho mình. Nhìn cảnh ấy, tôi cứ mong họ sớm nhận được niềm vui từ sự quan tâm của Nhà nước, bù lại quãng đời dài bất hạnh họ đã trải qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem