Một thời đu dây mở lớp
Năm 2000, thầy giáo Mông Văn Nguyễn cùng thầy giáo Nông Văn Phán vượt dốc từ xã Đức Hạnh lên đỉnh Lũng Mần rồi tụt dây rừng vào bản, quyết tâm bám trụ mở lớp. Biết thầy giáo vào mở lớp dạy chữ, hơn 50 hộ dân bản mừng và nghi hoặc, người già bảo “không học được đâu, học cái chữ còn khó hơn khoan nòng súng kíp, khó hơn học cúng ma”.
|
Thầy giáo Mông Văn Nguyễn đang dạy lớp 1 và 3 tại điểm trường Lũng Mần. |
Rồi lớp học cũng được dựng lên, mái lợp gianh, ván thưng bằng vỏ cây móc. Lớp 1 đầu tiên của bản với 29 học sinh lố nhố cao thấp, hầu hết chân đất, có tên, không có tuổi. Những buổi học đầu tiên vất vả hơn đi cày núi đá. Vốn tiếng Mông của các thầy chỉ dừng lại ở mấy câu chào hỏi, còn tiếng phổ thông trong bản thì người đi chợ nhiều cũng chỉ bập bẹ mấy câu, đành lấy đó làm vốn dạy nhau.
Qua mấy buổi học, học sinh đã biết mặt chữ cái, có em còn viết được tên mình. Lớp học không vỡ, các thầy mừng, cả bản mừng. Người già xách chai rượu, con gà đến cảm ơn thầy giáo như cảm ơn thầy cúng đã đuổi tà ma khỏi bản. Học sinh buổi sáng đi học mang theo chai nước biếu thầy giáo.
Ở Lũng Mần nước còn quý hơn ngô. Bản lập trên rừng đá, không có lấy một nguồn nước. Mùa khô, mấy trăm con người trông vào các hố nước đọng, thiếu nữa thì đi bộ 6km, dòng dây đu hàng trăm mét xuống sông Nho Quế gùi lấy can nước. Thậm chí cây chuối chặt cho lợn ăn thân, gốc còn cũng khoét xuống lấy nước ngấm lên để dùng.
Trong 29 học sinh của lớp học đầu tiên ấy nay đã có 7 em theo học hết lớp 9. Thầy Phán ít năm sau chuyển sang bản Lũng Pịa bên cạnh. Thầy Nguyễn bám trụ cùng bản đến hôm nay thành người có uy tín nhất bản Lũng Mần.
Thạch trụ trên rừng đá Lũng Mần
Hơn 10 năm mở lớp, có đến 7 năm các thầy giáo ở Lũng Mần đi về theo cái dây rừng nơi đầu dốc. Thầy Nguyễn đã sắp bước sang tuổi 50, ở Lũng Mần thầy lên già làng từ năm nào thầy không biết, cũng không ai nhớ, việc ấy cứ tự nhiên như vốn thầy sinh ra làm già bản ở bản đá này vậy.
|
Thầy giáo Mông Văn Nguyễn đang dạy lớp 1 và 3 tại điểm trường Lũng Mần. |
Vợ chồng cãi nhau, nhờ thầy phân phải trái. Tranh chấp hố nước, xách chai rượu đến trình bày với thầy. Trộm gỗ trên rừng, trộm trâu trong bản cũng dắt đến thầy. Đến những việc lớn tày đình như người bên kia biên giới sang xâm canh, sang kéo con gái bản... cũng báo thầy Nguyễn, xin ý kiến thầy để xử lý.
Đợt năm 2003, một thiếu niên trong bản đi cắt cỏ bị lửa đốt nương thiêu chết, người đốt nghi tận bên tỉnh bạn Hà Giang. Cha mẹ cậu thiếu niên báo thầy Nguyễn “đòi công lý”. Thầy Nguyễn cùng mấy người cao tuổi trong bản tìm đường sang xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, Hà Giang dò hỏi, tìm được gia đình nghi đốt. Người đốt nhận ngay, anh ấy cũng không biết có hậu quả đau lòng ấy. Thầy vận động anh đi cùng về Lũng Mần, gặp gỡ gia đình cậu thiếu niên bị chết để nhận lỗi, “làm lý” cho người chết, thông cái tình cho đôi bên rồi cùng đưa nhau đến chính quyền. Vụ việc tưởng phải đòi máu, cuối cùng êm đẹp, hai nhà qua lại thành thân.
Đã bao lần thầy Nguyễn muốn xin chuyển về quê với vợ con, chăm mẹ già mà không đành. Cha thầy là liệt sĩ, ông đã nằm lại trên chiến trường khi thầy mới 4 tuổi. Mỗi lần viết đơn xin đi, thầy lại thấy như mình chạy trốn khỏi vùng biên ải đầy gian khó và rất cần thầy. Cảm giác như mình không xứng đáng với dòng máu người lính của cha.
Đợt năm 2006, hai cô gái trong bản đi mua phân bón bị kéo trái phép về bên kia biên giới, thầy cùng dân bản truy được thủ phạm, phối hợp với Bộ đội Biên phòng đấu tranh đòi người về. Trao trả người phải làm tận Lạng Sơn, dân bản lại nhờ thầy đại diện, đi mấy trăm cây số đón người.
Tôi đi Lũng Mần công tác, từ UBND xã đến đồn biên phòng đều chỉ: Cứ đến gặp thầy Nguyễn. Trưa ở bản, đang ngồi nói chuyện với thầy Nguyễn thì thấy mấy thanh niên người Mông hớt hải vào thì thầm với thầy, việc có vẻ nghiêm trọng. Thầy bảo tôi “chờ một tý” rồi theo mấy người chạy đi, chừng nửa giờ về, mừng hí húm: “Xong rồi”, hỏi thầy xong cái gì, thầy cười cười nói “đỡ đẻ”. Té ra vừa có chị trong bản chuyển dạ bất thường, mấy anh đàn ông không biết xoay xở sao, sang hỏi thầy. Thầy Nguyễn sang chỉ huy 4 anh đàn ông đỡ đẻ cho chị ấy, mẹ tròn con vuông.
Những con chữ hơn 10 năm gieo ươm cần mẫn của thầy Nguyễn và các đồng nghiệp đã mọc lên thật dày, như cánh rừng trấn biên bền vững nhất cho Tổ quốc.
Xuân Trường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.