Chiều 8.9, trung tá Hà Văn Tuân, Đội phó Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, sau 4 ngày triển khai, đội đã xử lý được khoảng 20 trường hợp đi ôtô, môtô vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Trung tá Tuân cho hay, theo nghị định 34 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển ôtô, môtô có nồng độ cồn từ 0,25 mg trên một lít khí thở bắt đầu bị xử phạt.
|
Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện |
Cụ thể, nếu trong một lít khí thở có 0,25-0,4 mg cồn thì người điều khiển ôtô sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng, người lái môtô bị phạt 200.000-300.000 đồng, và cùng bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày; nếu nồng độ cồn vượt mức 0,4 mg, người lái ôtô sẽ chịu mức phạt 4-6 triệu đồng, còn người lái môtô bị phạt 500.000-1.000.000 đồng và cùng bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. Riêng ở Hà Nội và các thành phố lớn, mức phạt này sẽ bị tăng gấp đôi.
Theo ghi nhận tại các điểm xử lý, dù nhiều người thở ra nồng nặc hơi men nhưng làm đi làm lại cả chục lần vẫn không thể thổi đủ một lít khí vào máy nên không cho kết quả xét nghiệm. Lực lượng chức năng mất nhiều thời gian và không có căn cứ xử phạt. Ông Tuân khẳng định, do người vi phạm biết rằng nếu thổi thì sẽ bị phạt nên không muốn thổi và đã dùng mọi cách để làm không đúng yêu cầu.
“Đây là điều khiến chúng tôi đau đầu. Chúng tôi mong muốn bắt được 100 thì phải xử lý được 100 người chứ không phải như hiện nay. Ở nước ngoài, họ có túi chụp vào toàn bộ mặt nên người vi phạm không muốn thở cũng không được và kết quả xét nghiệm nồng độ cồn sẽ hiện ra ngay”, ông Tuân chia sẻ.
Ông Đội phó kiến nghị, với những trường hợp chống chế cần dùng biện pháp khác để xác định nồng độ cồn, như cách dùng túi thở mà nhiều nước đang áp dụng.
Trả lời câu hỏi uống bao nhiêu cốc bia thì không phạm luật khi tham gia giao thông, ông Tuân cho hay, điều này tùy thuộc vào cơ địa từng người, nhưng thông thường nếu uống 2-3 cốc bia Hà Nội (loại 400 ml) thì nồng độ cồn đo được 0,25-0,4 mg trên một lít khí thở. Nếu uống từ 4 cốc trở lên nồng độ này sẽ vượt quá 0,4 mg trên một lít khí thở.
Trung tá Tuân cho biết, do mỗi ống thổi bằng nhựa được dùng một lần, người vi phạm không phải dùng chung nên người dân không phải lo lắng về vấn đề vệ sinh, dịch bệnh.
"Chúng tôi cũng không kiêng nể trường hợp nào, kể cả xe công, vì xử lý lái xe vi phạm chứ không phải xử lý cán bộ nào đó ngồi trong xe. Thời gian tới đội sẽ tiếp tục xử lý ôtô vi phạm”, ông Tuân nhấn mạnh.
|
Lập biên bản những lái xe vi phạm |
Còn trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó Đội CSGT số 4 cho biết, sau 4 ngày đã xử lý được 55 trường hợp, trong đó tạm giữ 2 ôtô và 3 xe máy do những tài xế này có nồng độ cồn quá cao.
Với những người vi phạm không hợp tác, trung tá Ngoại cho rằng vẫn có cách xử lý mềm mỏng khiến họ thổi được, dù lắm khi phải mất tới cả nửa giờ. Cá biệt, có trường hợp ngoan cố phải nhờ cảnh sát 113 đưa vào công an phường thì người này mới chịu hợp tác.
“Tôi chỉ kiến nghị các VIP không nên gọi điện cũng như can thiệp mỗi khi có xe bị giữ vì vi phạm nồng độ cồn. Nhiều khi tôi phải nghe điện thoại nóng cả tai về các trường hợp vi phạm, rồi giải thích tế nhị và vẫn xử lý tài xế vi phạm”, trung tá Ngoại chia sẻ.
Hiện, Đội CSGT số 4 đã xử phạt một xe biển xanh vi phạm.
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.