Ưu tiên hàng đầu ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ sáu, ngày 04/02/2011 08:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - TS Lê Đăng Doanh có cuộc trao đổi với NTNN xung quanh Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được Đại hội Đảng XI thông qua.
Bình luận 0
img
 

- Chiến lược đã đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện điều này, phải bắt đầu ngay từ 2011-năm bản lề thực hiện chiến lược.

Thưa ông, tại sao lại đặt mục tiêu phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách toàn diện từ 2011?

- Nền kinh tế của chúng ta hiện nay đang phát triển dựa trên lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn. Bản thân nó đã bộc lộ nhiều mặt yếu kém rất cơ bản, đặc biệt là năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, không còn phù hợp với đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới... Nếu muốn tiếp tục phát triển, chúng ta không còn cách nào khác là phải sớm đổi mới toàn diện nền kinh tế sang dựa trên năng suất và sức cạnh tranh.

Nhưng chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn để chuyển đổi?

- Khó khăn lớn nhất của ta hiện nay là những mất cân đối vĩ mô. Năm 2010, Chính phủ hứa không tăng giá xăng, điện, than và không điều chỉnh tỉ giá đến hết quý I-2011. Vậy sau thời điểm này, tình hình sẽ rất khó khăn. Chúng ta không thể tiếp tục bù lỗ cho kinh doanh xăng dầu. Giá điện, than... cũng phải theo lộ trình giá thị trường từ năm 2011. Tình trạng 2 tỉ giá và lãi suất cao cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp... Do vậy, nếu không bình ổn được kinh tế vĩ mô thì những giải pháp cải cách, thúc đẩy phát triển nền kinh tế sẽ rất thiếu thực tế.

Theo Nghị quyết của Đảng, chúng ta phải dần tiến tới mô hình phát triển theo chiều sâu; chất lượng tăng trưởng phải được đặt lên hàng đầu. Theo ông, để làm được điều này, nền kinh tế sẽ phải chuyển đổi như thế nào?

- Để có một mô hình phát triển theo chiều sâu, các chỉ tiêu, đòn bẩy và chế tài kinh tế phải được khuyến khích phát triển theo chiều sâu. Các yêu cầu về đổi mới công nghệ, thiết bị, giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu đầu vào, nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường... đều phải được coi trọng và thực hiện nghiêm túc.

Chúng ta phải tránh tình trạng nói là phát triển theo chiều sâu nhưng vẫn ngầm cho phép phát triển theo chiều rộng như lấy đất nông nghiệp làm sân golf và KCN một cách dễ dãi; không xét đến các yếu tố KH-CN, chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động trong đầu tư, khen thưởng, đề bạt. Khẩu hiệu tiết kiệm chỉ được hô hào chung chung. Nếu không thay đổi những đòn bẩy này thì chủ trương chuyển sang phát triển theo chiều sâu sẽ chỉ là khẩu hiệu nằm trên giấy.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem