Vạ miệng, tai hại đủ đường

Mỵ Lương Thứ tư, ngày 27/04/2016 06:00 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, trong một số vụ việc nóng, nhiều cán bộ quản lý đã có những phát ngôn “không chuẩn” gây bức xúc dư luận. Theo các nhà nghiên cứu, nhà văn hoá, việc “lỡ miệng” như vậy sẽ gây thiệt hại cho chính những “đầy tớ” của dân.
Bình luận 0

Ngày 25.4, xung quanh vụ việc cá chết hàng loạt dọc biển miền Trung, trả lời báo chí, ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nói rằng, chỉ nên có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm. Trước đó, liên quan đến vụ khởi tố hình sự ông chủ quán Xin Chào ở Bình Chánh, TP.HCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP.HCM nói “vụ án này nhỏ xíu như cái móng tay”...

img

“Lời nói đọi máu”

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, nhấn mạnh câu nói: “Kim vàng ai nỡ uốn câu. Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”. Theo ông Chất, những phát ngôn “không chuẩn” gây ra hiệu ứng xã hội không tốt và tệ hại hơn khi người phát ngôn không tự nhìn nhận lời nói đó phản cảm. “Hình như các phát ngôn – mà tôi tạm gọi là nhầm lẫn, của các nhà quản lý, lãnh đạo ngày càng có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân có thể do người quản lý không hiểu ngôn từ hoặc nghĩ rằng lời nói của họ bao giờ cũng đúng. Họ muốn nói thế nào thì nói, thậm chí họ nói mà có người không nghe, họ sẽ sử dụng  quyền hành hiện có của mình để chấn chỉnh. Người làm quản lý hiện đang nhầm lẫn là họ hiểu biết tất cả, họ nghĩ họ quản lý thì họ là trên hết. Đây là một nhận thức sai lệch gây ra những hệ lụy xấu đối với xã hội”  - ông Chất phân tích.

Đồng quan điểm với ông Chất, TS Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt Group, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho rằng: Các bộ, ngành đoàn thể đều có người phát ngôn và phát ngôn không cẩn thận sẽ mang vạ vào thân. Dân gian có câu: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”, “Lời nói đọi máu”. Cho nên, lời nói ra phải được cân nhắc. Vì lời nói trên bàn nhậu mang tính chất khác, có thể xin lỗi được. Còn khi cán bộ lãnh đạo nói trước tổ chức, phát ngôn trước cộng đồng, đặc biệt khi người phát ngôn thay mặt cho công quyền thì một lời đáng giá nghìn vàng, lời nói có sức ảnh hưởng lớn. Không thể mang lời nói ra để đùa, không thể nói xong lại “rút”, hoặc xin lỗi. Bởi khi đã nói là ảnh hưởng đến rất nhiều người, thậm chí trong nhiều trường hợp ảnh hưởng đến quyền lợi, danh dự, có người phải mất mạng. Nếu nói xong mà xin lỗi thì đã là quá muộn màng” - ông Việt cho hay.

Trong thực tế, vẫn còn tồn tại vô số sự việc liên quan đến vấn đề phát ngôn khiến dư luận bức xúc. Nhiều người mong rằng những phát ngôn đó chỉ là những câu nói lỡ lời, còn thâm tâm họ không hề nghĩ vậy. Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, TS Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Doanh nhân APEC nhận định, văn hóa phát ngôn ngày nay cần được nâng tầm. Thực tế hiện nay, nhiều phát ngôn “không chuẩn” sẽ gây bức xúc với dư luận. Đặc biệt, những người có chức có quyền khi phát ngôn “thiếu chuẩn” gây ra hiểu lầm với cả xã hội. “Tôi cho rằng phát ngôn gây bức xúc, hiểu lầm sẽ làm giảm sút uy tín của Đảng, giảm sút vai trò, uy tín của Nhà nước pháp quyền trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ khi họ nhìn vào những phát ngôn “không đẹp” của những cán bộ lãnh đạo sẽ làm mất đi tính giáo dục, định hướng” – ông Khanh khẳng định.

Hiến kế cho “nói chuẩn”

Ai cũng cần phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Đặc biệt là đối với những người có địa vị càng cao, càng phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói của mình. Vì lúc đó, tiếng nói không phải của riêng bản thân mà đại diện cho một cơ quan, một tập thể nhất định”.
TS Phan Quốc Việt 

Theo TS Khanh, điều quan trọng để có những lời nói đẹp, nói chuẩn, trước hết cần trau dồi nhận thức, vốn liếng văn hóa và kỹ năng ứng xử. Điều đặc biệt là vận dụng những kỹ năng kiềm chế khi đứng trước tập thể, đứng trước những vấn đề không phải của riêng cá nhân mình. “Ngày hôm nay chúng ta khoác lên mình tấm áo là cán bộ, nhưng khi cởi chiếc áo đó ra thì mình cũng là dân” - TS Khanh nói.

Theo GS Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ban Dân vận Trung ương), các lãnh đạo không chỉ cần có kiến thức thực tế mà quan trọng là phải biết ứng xử khéo léo, thông minh trước mọi tình huống. Điều đặc biệt là phải biết cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói để có lời nói đúng, tốt đẹp, chân thiện mỹ. “Tại các nước, với những cán bộ lãnh đạo, người hoạch định chính sách sẽ có lớp dạy cách suy nghĩ, cách nói năng, phát biểu. Vấn đề là nền giáo dục, nền văn hóa Việt Nam hiện nay chưa cung cấp một cơ sở dạy về phát ngôn chuẩn mực cho những lãnh đạo, người có trách nhiệm phát ngôn cho nên mới xảy ra những phát ngôn mang tính bốc đồng, chung chung đại khái như vậy” – GS Mai đánh giá. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem