Vài năm nữa sẽ có nhiều trường đại học tư sụp đổ?

Trần Hải Thứ sáu, ngày 01/08/2014 17:48 PM (GMT+7)
Nhiều chính sách giáo dục hiện nay đã làm hệ thống trường ĐH ngoài công lập bị “tê liệt”, thậm chí sụp đổ. Hệ quả tất yếu của nó là lôi kéo toàn bộ hệ thống giáo dục đại học không bao giờ khởi động được…
Bình luận 0
TS Đàm Quang Minh, đại diện Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ, khẳng định giai đoạn năm 2015-2020 sẽ có nhiều trường đại học tư sụp đổ, tại Hội thảo cải cách giáo dục đại học Việt Nam diễn ra sáng nay tại TP.HCM.

Với kinh nghiệm hơn 5 năm công tác tại ĐH FPT, ông Đàm Quang Minh cho biết: “Hai vấn đề khiến cho các trường ngoài công lập (NCL) hiện nay gặp khó khăn để tồn tại, phát triển là bất cập về mặt chính sách và quan niệm của xã hội hiện nay về trường ĐH tư.

Cụ thể, bất cập về mặt chính sách là việc các trường công được nhiều ưu tiên như: miễn phí thuê đất, CSVC, miễn thuế,… trong khi đó với các trường tư thì lại bị bắt buộc phải phi lợi nhuận hóa, trích 25% lợi nhuận vào tài sản chung không chia, hạn chế quyền của chủ đầu tư…

Về phía quan niệm xã hội thì chỉ coi trường tư là trường hạng 2, đầu tư chỉ vì tiền và không chấp nhận trường hoạt động vì lợi nhuận”.

“Nếu không giải quyết ổn thỏa 2 bất cập này thì có thể trong giai đoạn 2015-2020 chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trường ĐH tư sụp đổ”, ông Minh nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nhài, giảng viên ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam cho biết: “Giáo dục tư thục cần phải tự chuyên nghiệp hóa và phát triển bền vững. Cụ thể, nhìn vào sự phát triển của một số trường ĐH tư thục lớn hiện nay như: RMIT, FPT, Hutech, Hoa Sen… thì thấy các trường đều có những chiến lược phát triển riêng. Chẳng hạn, ĐH FPT thì đi sâu về CNTT, ĐH Lạc Hồng thì đầu tư vào Robocon; ĐH Hoa Sen thì chú ý đến vấn đề việc làm… Mỗi trường đều có định hướng riêng để tự mình chuyên nghiệp hóa và tiến tới phát triển bền vững”.

Cũng theo bà Nhài, hiện tại có nhiều yếu tố để các trường ĐH tư xây dựng hướng đi riêng của mình như: đào tạo về lĩnh vực khác biệt, chú trọng về quản trị, phát triển đúng phân khúc, xây dựng văn hóa riêng của mỗi trường…

Ở một khía cạnh khác, ông Đàm Quang Minh, lại nhận định: “Lâu nay chúng ta cứ quan niệm cơ cấu nguồn nhân lực đang rơi vào tình trạng ‘thừa thầy, thiếu thợ’ nhưng tôi khẳng định quan niệm nay chưa đúng. Chúng ta không ‘thừa thầy’ mà phải nói là nguồn nhân lực có trình độ, có bằng cấp hiện nay đang rất thiếu, thiếu cả về về lượng và chất lượng”.

Cụ thể, con số thống kê từ Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ cho thấy, tỷ lệ nguồn nhân lực có bằng cấp tại Việt Nam hiện nay rất thấp, thậm chí chưa bằng một nửa so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ là 9,7%, trong khi đó ở Thái Lan: 17%, Malaysia: 24%...

Ngoài ra, về vấn đề chất lượng của các trường ĐH tư hiện nay, ông Minh cảm khái: “Chất lượng GD ĐH kém không thể đổ hết cho NCL, bởi vì tỉ trọng SV NCL là 12,7%, còn hơn 87% còn lại mới quyết định chất lượng chứ, sao đổ thừa NCL? Phải có cái nhìn tổng quát nếu không sẽ tạo định kiến xã hội”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem