|
Làm mẫu rửa tay bằng xà phòng (ảnh chụp tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Ảnh: Hữu Thông |
Đây là năm thứ 3, Việt Nam hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay (15-10) bằng hoạt động RTBXP.
Thay đổi hành vi vệ sinh
Tại Việt Nam, từ năm 2009, Ngày Thế giới rửa tay được đưa vào chương trình vận động cho các vấn đề về vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường với các Bộ: NN&PTNT, Y tế, Giáo dục và Đào tạo. Theo thống kê của Tổ chức UNICEF đến năm 2010, chỉ có khoảng 42% dân số nông thôn ở Việt Nam được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Có đến 40% dân số Việt Nam (ước tính hơn 17 triệu trẻ em) chưa được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Và điều đáng ngại là chỉ có khoảng 12% dân số nông thôn có thói quen RTBXP trước khi ăn và 16% RTBXP sau khi đi đại tiện.
Việt Nam là thành viên tích cực trong sáng kiến toàn cầu RTBXP.
Bà Jenifer Sara - Giám đốc Mạng lưới phát triển bền vững của WB.
"Đây là những nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh tiêu chảy, giun sán và nhiều bệnh liên quan đến đường ruột khác"- ông Thowaizai, phụ trách bộ phận nước và vệ sinh của UNICEF nhấn mạnh.
Dẫn nguồn của Ngân hàng thế giới (WB), ông Thowaizai cho biết, việc vệ sinh thấp kém và sử dụng nước không an toàn đã gây ra hàng năm ở Việt Nam có 7 triệu ca tiêu chảy; 2,4 triệu ca bệnh ghẻ, nhiễm giun sán, viêm gan A, đau mắt hột; gần 1 triệu trường hợp liên quan đến suy dinh dưỡng, hơn 9.000 ca tử vong trong đó phần lớn là trẻ em.
Một nghiên cứu khác của UNICEF cũng cho thấy, hàng năm, có khoảng hơn 20.000 người dân Việt Nam bị tử vong vì các bệnh liên quan đến vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường thấp kém và nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo một nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế và UNICEF, có thể giảm đến 23% tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm cân và 33% tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi nếu gia tăng tỷ lệ tiếp cận nước an toàn và nhà tiêu hợp vệ sinh. Sẽ có khoảng 1/10 gánh nặng bệnh tật có thể phòng tránh được bằng việc cải thiện các điều kiện cấp nước, vệ sinh và vệ sinh cá nhân.
Bà Jenifer Sara - Giám đốc Mạng lưới phát triển bền vững (WB) cho rằng, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường và nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, hiệu quả của các công trình cấp nước chưa cao. Vì thế, cần có nhiều chiến dịch tuyên truyền rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng để làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường, nhằm ngăn ngừa tốt hơn các loại bệnh tật.
Tăng cường chiến dịch tuyên truyền
Trước vai trò quan trọng của vệ sinh đối với đời sống của con người, hiện nay “Ngày thế giới rửa tay” đã huy động được hàng triệu người dân tham gia ở hơn 80 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trong những ngày này, khắp nơi trên cả nước đang được hưởng ứng mạnh mẽ với hàng loạt các hoạt động tuyên truyền.
Theo bà Nguyễn Thúy Ái -Trưởng phòng Truyền thông (Trung tâm Quốc gia nước Sạch và vệ sinh môi trường), hiện nay, ở cả cấp T.Ư và địa phương đang tích cực tổ chức các hoạt động để chuyển tải các thông điệp RTBXP đến từng người dân. Trong khuôn khổ dự án "Sáng kiến hợp tác về RTBXP" do Chương trình Nước và vệ sinh do WB tài trợ, từ ngày 8 đến 18-10 trên 200 xã ở 5 tỉnh: Tiền Giang, Nghệ An, Hưng Yên, Ninh Bình và Phú Thọ sẽ đồng loạt ra quân để hưởng ứng Ngày Thế giới RTBXP. Được biết, Tổ chức UNICEF, cũng đang hỗ trợ tổ chức Ngày hội vệ sinh môi trường và cá nhân tại 27 trường học ở 5 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Kon Tum và Điện Biên.
Dự kiến, từ ngày 1 đến hết ngày 15-10 sẽ có khoảng 6.000 trẻ em tham gia vào các hoạt động như mít tinh, diễu hành… Ngoài ra, Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam cũng tổ chức Cuộc thi rửa tay ở 30 trường tiểu học tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng và Nha Trang.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.