Vải thiều, mì Chũ, gạo Yên Dũng, đặc sản của tỉnh Bắc Giang được xuất ngoại, riêng vải thiều đã đến 30 nước

Thế Đại (Báo Bắc Giang) Thứ tư, ngày 03/05/2023 12:35 PM (GMT+7)
Theo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 13-15%/năm, đưa Bắc Giang là tỉnh có cơ cấu xuất nhập khẩu bền vững.
Bình luận 0

Theo thống kê, sản lượng nông sản chủ lực của Bắc Giang được xuất khẩu ngày càng tăng. Năm 2022, các sản phẩm chính, như: Vải thiều, mỳ gạo Chũ, gạo thơm Yên Dũng, rau, củ quả đóng hộp… đạt hơn 100.000 tấn, riêng vải thiều tươi đạt 75.500 tấn. Trong đó, thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đạt hơn 100 tấn, tăng gấp đôi so với vụ trước. Cùng với tăng sản lượng, đến nay, vải thiều Bắc Giang đã đến với 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, được các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… ưa chuộng.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu vải thiều đạt 116 triệu USD; rau, củ, quả các loại đạt 10 triệu USD. Dù vậy, lượng nông sản xuất khẩu của tỉnh còn khá khiêm tốn, nhất là lĩnh vực chăn nuôi. 

Nguyên nhân chính là do chất lượng nông sản chủ lực của Bắc Giang chưa đáp ứng được thị trường xuất khẩu; giá thành cao, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sâu hạn chế; sản xuất manh mún, thiếu tập trung…

Khắc phục những tồn tại nêu trên, cùng với cơ chế chính sách của Trung ương, thời gian qua, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách, cụ thể hoá định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo từng giai đoạn. 

Vải thiều, mì Chũ, gạo Yên Dũng, đặc sản của tỉnh Bắc Giang được xuất ngoại, riêng vải thiều đã đến 30 nước - Ảnh 1.

Sơ chế, đóng gói vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu. Ảnh: Báo Bắc Giang.

 Nhờ đó, ngành nông nghiệp của tỉnh có nguồn lực thực hiện hiệu quả nhiều đề án phát triển vùng cây ăn quả tập trung, vùng an toàn dịch bệnh động vật, vùng thâm canh lúa chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Đến nay, đã có một số doanh nghiệp lớn, như: Tập đoàn Hòa Phát đầu tư khu chăn nuôi lợn theo quy trình công nghệ cao quy mô 5.000 lợn nái, 18.000 lợn thịt/lứa tại xã Long Sơn (Sơn Động); Tập đoàn Dabaco đầu tư chăn nuôi gia cầm giống, quy mô hơn 60 nghìn con tại Yên Thế…

Bắc Giang có 8 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực được UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm các sản phẩm: Lợn, gà, cá, lúa, vải thiều, cam, rau các loại và lạc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phê duyệt danh mục 14 sản phẩm đặc trưng và 30 sản phẩm tiềm năng, như: Chè, na, bưởi; mỳ gạo, nhãn... với tổng sản lượng hàng trăm nghìn tấn/năm.

Tỉnh đã quy hoạch, phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, như: Vùng vải thiều gần 30.000 ha; vùng lúa chất lượng cao 45.000 ha; vùng rau chế biến, rau an toàn hơn 12.600 ha; 21 vùng chăn nuôi lợn; 33 vùng chăn nuôi gà,… Toàn tỉnh xây dựng được 205 sản phẩm OCOP, trong đó có một số sản phẩm chủ lực có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu như: Vải thiều, mỳ Chũ, nhãn, rau chế biến...

Để nông sản chủ lực đáp ứng thị trường xuất khẩu, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang cho biết, hiện ngành nông nghiệp đang căn cứ vào yêu cầu chất lượng sản phẩm của từng thị trường xuất khẩu để sản xuất. 

Sản phẩm phải bảo đảm các quy chuẩn, như: Chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật; chứng chỉ phát triển và quản lý rừng bền vững (FSC); chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, các chứng chỉ theo yêu cầu chất lượng của từng quốc gia và khu vực, nhất là các điều kiện để xuất khẩu sản phẩm trồng trọt, như: Mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, mã DN xuất khẩu… 

Cùng đó, ngành nông nghiệp chú trọng hướng dẫn các chủ thể tổ chức sản xuất, đáp ứng thị trường từng quốc gia và khu vực cụ thể.

Cùng với sản xuất, chế biến, để nông sản của Bắc Giang “xuất ngoại” đạt hiệu quả, vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND về thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa tỉnh Bắc Giang đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 13-15%/năm. 

Cùng với sản phẩm công nghiệp, tỉnh chú trọng nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh; phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản chế biến sâu.

Để thực hiện Chiến lược trên, đồng thời cải thiện hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng cao trong hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản chủ lực, Sở Công Thương đã thường xuyên cung cấp thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa, đặc biệt là các thị trường Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA), cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại. 

Thành lập nhóm Zalo hỗ trợ XNK, cử cán bộ thường trực, trực tiếp hỗ trợ các DN tiếp cận về thủ tục hành chính XNK, thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giải đáp, thông tin về các FTA; thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các DN XNK. Đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động XNK thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương thông tin, Sở sẽ phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện một số giải pháp: Tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Phát triển đa dạng thị trường xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Khai thác hiệu quả cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định FTA. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hướng tới mục tiêu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem