Một huyện của tỉnh Bắc Giang muốn xuất khẩu 43.300 tấn một loại trái cây đặc sản
Một huyện của tỉnh Bắc Giang muốn xuất khẩu 43.300 tấn một loại trái cây đặc sản
P.V
Thứ hai, ngày 17/04/2023 14:13 PM (GMT+7)
Trong kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) dự kiến sẽ đưa khoảng 85 - 90% sản lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), năm 2023, huyện Lục Ngạn duy trì sản xuất trên 17.300ha vải thiều, tăng 1.600ha so với năm 2022, sản lượng ước đạt 98.000 tấn; trong đó vải sớm khoảng 25.000 tấn; vải chính vụ khoảng 73.000 tấn. Thời gian thu hoạch dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 6/2023 đến cuối tháng 7/2023.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ vải thiều gắn với thu hút phát triển du lịch năm 2023.
Theo đó, huyện Lục Ngạn xác định hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ bằng hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước…
Dự kiến có hơn 43.300 tấn vải sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước EU… Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm từ 85 đến 90% sản lượng xuất khẩu.
Tiêu thụ trong nước khoảng 35.000 tấn tập trung vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, các nhà, kênh phân phối…
Ngoài ra, huyện Lục Ngạn cũng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử với sản lượng khoảng 7.000 tấn; sấy khô 9.500 tấn còn lại bảo quản lạnh, chế biến sâu khoảng 3.200 tấn.
Hiện, các cơ quan chuyên môn của huyện đang theo dõi, nắm bắt, chỉ đạo sâu sát hoạt động sản xuất, chuẩn bị chế biến; quản lý chặt chẽ 84 mã số vùng trồng xuất khẩu đi các thị trường gồm: Trung Quốc (35 mã), Mỹ, Úc, EU (15 mã), Nhật Bản (32 mã), Thái Lan (2 mã).
Tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các yêu cầu, tiêu chuẩn về quy cách thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm trước khi bán như: Xử lý sạch lá, cắt cuống ngắn, loại bỏ quả không đạt chất lượng.
Tăng cường quản lý 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân; chống các hành vi gian lận thương mại, hạn chế tối đa tình trạng tăng giá đột biến đối với những mặt hàng phụ trợ; chủ động nắm thông tin thị trường.
Huyện Lục Ngạn cũng đã thành lập các tổ công tác đi đến một số tỉnh, thành trong nước, cửa khẩu để bàn biện pháp tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều.
Bên cạnh việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều, huyện sẽ tổ chức chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín”, dự kiến từ tháng 5 đến tháng 7 tại trung tâm huyện, các điểm du lịch, thắng cảnh, nhà vườn, hợp tác xã được chọn làm du lịch mùa vải thiều.
Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, để đảm bảo mùa vải thiều thắng lợi, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền, cơ quan chức năng các cấp, các nhà vườn cần tuân thủ nghiệm ngặt quy trình sản xuất vải thiều đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cơ quan chuyên môn quan tâm quản lý chặt mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin truyền thông; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; các hoạt động kết nối tiêu thụ vải thiều cho nông dân. Tổ chức tốt chương trình du lịch Lục Ngạn mùa vải chín.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.