Vai trò của nông dân còn mờ nhạt

Thứ bảy, ngày 21/09/2013 06:44 AM (GMT+7)
Là chủ thể chính trong việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với doanh nghiệp (DN), nhưng vai trò của nông dân còn hạn chế và mờ nhạt...
Bình luận 0
Các chuyên gia cho rằng nếu nông dân biết tổ chức và sử dụng đúng “quyền lực” của mình thì tiếng nói và quyền lợi của họ sẽ nâng lên rất nhiều trong mối liên kết này.

Mạnh ai nấy làm

Hầu hết các DN đang xây dựng vùng nguyên liệu, CĐML đều than rằng gặp rất nhiều khó khăn trong việc hợp tác, liên kết với các hộ nông dân sản xuất lúa. Bà Lưu Thị Lan- Phó Tổng Giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ) cho biết, công ty bà hiện đang liên kết với 1.200 hộ nông dân ở 4 tỉnh Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và Sóc Trăng để xây dựng CĐML rộng 3.700ha.

Thế nhưng tất cả 1.200 hộ này đều là hộ riêng lẻ, không có “thủ lĩnh” nên công ty rất cực trong việc đến từng nhà ký hợp đồng rồi tư vấn kỹ thuật, thu hoạch, vận chuyển… Sau công ty phải tự tập hợp lại thành 22 tổ hợp tác (THT) và mọi hoạt động từ đó đều thông qua 22 tổ trưởng THT này mới đỡ cực hơn.

“Tuy nhiên, do các THT này được hình thành chủ yếu chỉ dựa trên việc có chung nguồn nước tưới nên việc gắn kết còn rất rời rạc, mỗi nơi tự sản xuất một kiểu theo tập quán thói quen của mình. Do đó, công ty vẫn gặp khó khăn trong việc tạo được một nguồn sản phẩm đồng nhất, chất lượng để xuất khẩu” – bà Lan than.

Nông dân phải tập hợp lại thành HTX làm dịch vụ để xây dựng CĐML có hiệu quả.
Nông dân phải tập hợp lại thành HTX làm dịch vụ để xây dựng CĐML có hiệu quả.

Việc không tập hợp được với nhau cũng khiến nông dân bị yếu thế trước việc đàm phán giá cả với DN. Rồi từng hộ riêng lẻ mạnh ai nấy “bẻ kèo” bán lúa ra ngoài, gây lủng củng nội bộ, phá vỡ mối liên kết. “Chúng tôi rất cần gặp một “thủ lĩnh” giỏi đại diện cho phía nông dân để liên hệ, truyền đạt những yêu cầu đặt hàng của DN và triển khai thực hiện” – đại diện Công ty Lương thực Sông Hậu đặt yêu cầu.

Phải là HTX làm dịch vụ


Ông Nguyễn Thanh Truyền- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho biết, để chuẩn bị cho việc phối hợp cùng các DN VFA xây dựng CĐML, sở đang ráo riết cùng Hội ND, Liên minh HTX đẩy mạnh thành lập các HTX, THT. Trong đó có việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân các kỹ năng “mềm” như quản lý, kinh doanh, đàm phán, thương lượng…

Trong cuộc họp triển khai cho các thành viên của mình xây dựng CĐML vụ đông xuân 2013 – 2014 sắp tới, ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã khẳng định các DN thành viên sẽ chỉ ký hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa với các HTX hoặc THT chứ không ký trực tiếp với từng hộ nông dân nữa.

“Xây dựng CĐML với mục đích hướng tới nền sản xuất lớn nên nếu với đặc thù ruộng đất của nông dân nhỏ lẻ, mỗi hộ có vài ha, thậm chí chưa tới 1ha, mà không tập hợp, liên kết lại được thành HTX hay ít nhất là THT thì sẽ không thể nào làm CĐML được. Đây là nhiệm vụ bức bách mà ngành nông nghiệp địa phương phải phối hợp với Hội Nông dân làm ngay” – PGS-TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định.

Không những thế, các HTX này còn phải hướng tới trở thành các HTX kinh doanh, làm dịch vụ. Bởi theo như phân tích của PGS Vũ Trọng Khải-nguyên Hiệu trưởng Trường Quản lý cán bộ NNPTNT, một khi quy mô sản xuất tăng lên thành các cánh đồng lớn thì nhu cầu hợp tác trong khâu tiêu thụ nông sản càng trở nên bức bách. Khi đó đối trọng trong mối liên kết giữa DN với nông dân, người sản xuất mới trở nên cân bằng.

Ngọc Minh (Ngọc Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem