Ván bài cuối cùng của Ngô Đình Nhu năm 1963 (Kỳ 2): Giây phút cuối cùng

Chủ nhật, ngày 11/11/2018 14:34 PM (GMT+7)
Quân đảo chính vào được dinh nhưng anh em Nhu đã đi đâu mất từ bao giờ. Phải chăng ngoài Bravo, Ngô Đình Nhu còn 1 kế hoạch dự phòng? Giây phút cuối cùng của anh em Diệm – Nhu đã diễn ra thế nào?
Bình luận 0

Vở kịch hạ màn

Sau khi quân của Đại tá Phạm Ngọc Thảo vào được dinh Gia Long, các tướng lĩnh đảo chính bàng hoàng nhận ra anh em Diệm – Nhu đã rời khỏi đó tự lúc nào. Người ta túa đi các nẻo nhưng vô ích. Thì ra anh em Diệm đã bỏ ra khỏi cái dinh bằng con đường hầm bí mật mặc cho đám lính phòng vệ vẫn liều chết tử thủ để bảo vệ cái dinh không người.

Anh em Diệm đã đến gặp một thương gia Hoa kiều tại Chợ Lớn. Buổi sáng họ vẫn còn đến nhà thờ Cha Tam làm lễ như thường ngày. Trong khi đó, phía đảo chính rất lo Diệm chạy về vùng đồng bằng sông Cửu Long với tướng Huỳnh Văn Cao. Nếu thật vậy thì tình hình rồi sẽ còn phức tạp.

Nhưng rất may mắn, vào lúc 7h ngày 2.11, Diệm đã gọi điện đến Bộ Tổng tham mưu tuyên bố sẵn sàng từ chức và yêu cầu được ra đi một cách danh dự thích hợp với ngôi vị của ông. Tướng Đôn trả lời sẽ bảo đảm an toàn tính mạng cho Tổng thống và gia đình nếu Diệm đầu hàng vô điều kiện. Diệm chấp nhận và chỉ dẫn nơi hai anh em ông ta đang ẩn náu.

Dương Văn Minh lập tức cử các sĩ quan thân cận mang thiết giáp đi “đón” Diệm - Nhu tại ngôi nhà thờ nhỏ ở Chợ Lớn. Họ gồm tướng Mai Hữu Xuân, các đại tá Dương Ngọc Lâm và Nguyễn Văn Quạn, thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa, đại úy Nguyễn Văn Nhung, sĩ quan tùy tùng của Dương Văn Minh.

img

Đại tướng Dương Văn Minh

Khi các sĩ quan đến trước cửa nhà thờ, Diệm khó chịu như bị “sốc” khi thấy họ đưa đến một chiếc xe quân sự bọc thép để đón mình. Đại tá Dương Ngọc Lâm viện lý do bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, khi về đến nơi, anh em Diệm chỉ còn là 2 cái xác không hồn với nhiều vết đạn và cả vết đâm.

Việc giết anh em Diệm có làm cho các tướng đảo chính phiền trách nhau đôi chút nhưng họ cũng nhanh chóng cho qua vì họ còn bận rộn hơn với việc tranh giành địa vị sau đảo chính. Chỉ đến khi cuộc tranh giành đến màn kịch liệt, họ thanh toán nhau thì nội tình sự vụ mới được sáng tỏ.

Nông Huyền Sơn viết trong cuốn Cái chết của anh em nhà Ngô về sự việc này: “ Khi chiếc xe bọc thép “đón” Diệm, Nhu đi từ nhà thờ Cha Tam ra đã ghé vào Tổng nha Cảnh sát. Tại đó Diệm, Nhu bị tra tấn để khảo của. Trận đòn tra tấn đã khiến mình mẩy Nhu bầm dập. Sau đó cả hai bị trói thúc ké ném lên xe bọc thép tiến về Bộ Tổng tham mưu. Trên đường đi, Mai Hữu Xuân ngồi trên xe Jeep đã chặn đầu chiếc jeep chở đại úy Nhung đang áp tải chiếc xe bọc thép chở Diệm, Nhu. Tướng Xuân đã đưa một ngón tay lên trời ngoéo lại như bóp cò súng 2 lần. Nhung nghiêm chào Xuân như báo cáo đã nhận lệnh.

Đoàn áp tải chạy một đoạn nữa, đến đường ray xe lửa, Nhung rời xe jeep nhảy sang chiếc xe bọc thép đuổi hết binh sĩ ra khỏi xe. Nhung đóng cửa lại rồi bắn Diệm, Nhu mỗi người mấy phát súng ngắn vào đầu. Để lấy dấu máu cho chiếc dao găm luôn đeo bên người, Nhung đâm thêm vài nhát dao vào hai cái xác”. Hai cái xác bị bỏ cho ruồi bu đến trưa mới được đem đi chôn cất. Cuộc đảo chính lật đổ chế độ họ Ngô kết thúc.

Bình luận về hành động gặp phe đảo chính của Diệm, Nguyễn Phú Đức viết trong cuốn Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam như sau: “Nhu vẫn có thể xin cư trú tại các sứ quán nước ngoài hoặc cơ quan đại diện Giáo hoàng tại Sài Gòn. Nhưng hai con người kiêu căng và dũng cảm muốn gặp mặt các tướng lĩnh tham gia đảo chính để nói với những người được họ gắn sao, ban quân hàm và hôm qua đây còn tỏ ra khúm núm trước mặt họ. Họ đã tính sai vì các tướng lĩnh tham gia đảo chính không muốn đối mặt với họ”.

Tiết lộ người đã phá nước cờ của Nhu

Kế hoạch của Nhu đã có thể thành công mỹ mãn nếu như đối phương không biết về nó. Người đã cung cấp cho phe đảo chính về kế hoạch Bravo và hoạt động tích cực để phá kế hoạch ấy, không ai khác chính là Phạm Ngọc Thảo – nhà tình báo huyền thoại của cách mạng.

Trong Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam, Nguyễn Phú Đức nói rằng:  “Chính Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã báo cho Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn biết về kế hoạch Bravo. Thảo là người được Ngô Đình Thục tin cậy nên đã trở thành người thân cận của Nhu và biết được kế hoạch Bravo. Ông cũng biết CIA đang âm mưu với tướng Minh và Đôn.

img

Để khích Minh và Đôn nhanh chóng thực hiện đảo chính, Thảo còn nói rằng ông sẽ tổ chức trước một cuộc đảo chính phòng ngừa vào ngày 24.10.1963 để làm thất bại kế hoạch Bravo của Nhu. Đôn và Minh ra sức khuyên can Thảo không nên quá nôn nóng vì những người tham gia đảo chính thật chưa sẵn sàng. Thực tế Thảo đánh lừa Minh và Đôn vì dưới quyền Thảo không đủ lực lượng để tiến hành đảo chính lật Diệm. Mục đích của Thảo là xúi giục Minh và Đôn nhanh chóng hành động”.

Kế hoạch Bravo do Thảo cung cấp đã giúp Minh và Đôn có sự chuẩn bị chắc chắn cho đảo chính. Trước tiên, họ tìm cách nắm được Tôn Thất Đính. Dựa vào tình hình căng thẳng vì các cuộc biểu tình sau sự kiện Phật Đản, Trần Văn Đôn gợi ý cho Diệm ra lệnh thiết quân luật ngày 20.8.1963 và giao cho quân đội trách nhiệm duy trì trật tự trong cả nước. Mặt khác, Đôn lại kích động Đính rằng Đính phải làm Bộ trưởng Nội vụ mới xứng. Đính liền đề nghị Diệm thăng chức Bộ trưởng Nội vụ nhưng Tổng thống cười ngất nói Đính không đủ khả năng giữ chức vụ quan trọng đó trong chính phủ. Bị hụt hẫng và làm nhục vì sự khước từ đó, Đính đem lòng căm giận Diệm và quyết định ngả về phe đảo chính. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính khiến Đính trở cờ là vì Đính biết rằng Diệm đã không còn được Mỹ ủng hộ. Đính cảm thấy không còn lý do gì để trung thành với người mà tiền đồ cũng sắp tiêu tan.

Sau Đính, Nguyễn Khánh cũng được một chuyên viên CIA tiếp xúc. Dù là một trong 2 người được tin tưởng trong kế hoạch Bravo của Nhu, Khánh nhanh chóng phản bội. Cũng như Đính, Khánh biết rằng một khi Diệm không còn được Mỹ ủng hộ thì Diệm sẽ chết cho nên Khánh quyết định xoay chuyển sự trung thành của mình sang cho Mỹ.

Hai con bài Khánh và Đính đã nắm được, những người đảo chính quyết định khởi sự vào ngày 1.11.1963. Họ lợi dụng chính kế hoạch Bravo của Nhu để giành yếu tố bất ngờ tuyệt đối. Bởi lý do đó mà Ngô Đình Nhu cáo già luôn tự cho là cao tay ấn đã dễ dàng bị bắt rồi chết một cách tầm thường như thế.

Trần Vũ (ĐSPL)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem