Văn bản của Tổng cục Hải quan làm khó doanh nghiệp làm ván ghép thanh, Bộ Tài chính yêu cầu đối thoại

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 05/08/2020 07:30 AM (GMT+7)
Chỉ vì bị áp là hàng “sơ chế” thay vì chế biến, nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ ghép thanh đang gặp nhiều khó khăn, bởi chấp nhận nộp thuế theo đúng mã hàng mới thì hầu như không có lãi, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí là đóng cửa.
Bình luận 0

"Án tử" với doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Hữu Thông – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thông (Bình Dương), việc Tổng cục Hải quan ban hành Văn bản số 4250/TB-TCHQ coi sản phẩm ván ghép thanh, chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su là sản phẩm sơ chế như gỗ xẻ thanh và bị áp mã HS 4407, đồng thời áp thuế xuất khẩu 25% giống như một "án tử" đột ngột với doanh nghiệp.

Vướng “sơ chế”, doanh nghiệp chế biến tôm, ván ghép kêu trời - Ảnh 1.

Sản phẩm ván ghép thanh tồn tại kho của Công ty Mộc Cát Tường (Đồng Nai). Ảnh: I.T

"Lâu nay, gỗ ghép thanh vẫn được áp mã HS 4418 và đây là mã quốc tế chứ không phải quy định riêng của Việt Nam, việc Tổng cục Hải quan áp mã HS 4407 cho ván ghép thanh quá đột ngột và không có căn cứ. Bởi nếu áp thuế xuất khẩu 25% thì doanh nghiệp buộc phải đóng cửa nhà máy, không thể nào làm nổi" - ông Thông nói.

Được biết, mỗi tháng, Công ty Hoàng Thông xuất sang thị trường Hàn Quốc 20 - 30 container gỗ ghép thanh, chiếm 20 - 30% công suất của nhà máy, sản phẩm đang cạnh tranh rất tốt với Malaysia, Indonesia, Trung Quốc. 

"Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gỗ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn giữ được các đơn hàng là một nỗ lực lớn, lẽ ra phải khuyến khích, tạo động lực cho họ. Với Công ty Hoàng Thông, rất may trong lúc chờ văn bản của cấp trên, Cục Hải quan Bình Dương vẫn cho xuất hàng bình thường nên không có hàng tồn nhưng nhiều doanh nghiệp khác thì đang sống dở chết dở vì bị phạt chậm hợp đồng hoặc chấp nhận phải đóng thuế 25% để được xuất hàng đúng hẹn" – ông Thông nói.

Không may mắn như Công ty Hoàng Thông, từ khi có văn bản của Tổng cục Hải quan, hoạt động sản xuất của Công ty Mộc Cát Tường (Đồng Nai) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Bà Đào Thị Hương - Giám đốc Công ty cho biết, từ khi có văn bản mới, Hải quan Đồng Nai không cho xuất hàng, bắt áp qua mã 4407.

"Không còn cách nào khác, những lô hàng nào đã lỡ ký hợp đồng, đến hạn giao hàng chúng tôi buộc phải chấp nhận đóng thuế để cho đi vì nếu chậm sẽ mất hợp đồng, bị phạt. Tôi nghĩ, mọi thông báo cần có thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị chứ không thể đưa ra áp dụng ngay khiến chúng tôi trở tay không kịp" - bà Hương nói.

Được biết, hơn 1 tháng nay, hoạt động xuất khẩu ván ghép thanh của Cát Tường bị đình trệ, bình thường mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 700 - 800m3, nhưng trong tháng 7 chỉ xuất được 300 – 400m3. Riêng tiền thuế đóng để xuất khẩu số lượng ván ghép thanh này doanh nghiệp tốn thêm 2 tỷ đồng.

Theo bà Hương, thị trường ván ghép thanh đang rất triển vọng, nhất là ở thị trường EU và Mỹ. Tuy nhiên, nếu áp thuế xuất khẩu 25% thì không doanh nghiệp nào chịu nổi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thiên Phát (Bình Định) cho biết, doanh nghiệp buộc phải hủy 10 container hàng xuất đi Hàn Quốc, mỗi container trị giá 26.000 USD do không chịu nổi mức thuế 25%.

Doanh nghiệp này cũng buộc phải dừng 2 container hàng đi Pháp, 10 container hàng đi Hàn Quốc. Điều đáng nói, phía đối tác cảnh báo, nếu ván ghép thanh Việt Nam bị áp mã HS mới họ sẽ chuyển sang tìm thị trường mới.

Văn bản của Tổng cục Hải quan làm khó doanh nghiệp làm ván ghép thanh, Bộ Tài chính yêu cầu đối thoại - Ảnh 3.

Chế biến gỗ ván ghép tại Công ty Lâm Việt.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, quy trình sản xuất ván ghép thanh phải qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là tạo thanh cơ sở, gồm các công đoạn để tạo ra thanh gỗ xẻ. Giai đoạn 2 là tạo ván ghép thanh. Quá trình sản xuất ván ghép thanh đã làm thay đổi hoàn toàn kết cấu của thanh gỗ xẻ cơ sở ban đầu thông qua các công đoạn chế biến sâu để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. "Vì vậy, việc áp dụng mã hàng hóa của ván ghép thanh theo mã HS 4407 là không phù hợp, không khuyến khích được doanh nghiệp trong nước sản xuất chế biến sâu để hạn chế nhập khẩu đối với loại ván này" - Tổng cục Lâm nghiệp nêu rõ.

Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức đối thoại

Sau khi có đơn kiến nghị của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, văn bản của Bộ NNPTNT đề nghị không áp ván ghép thanh vào mặt hàng sơ chế, ngày 4/8, Bộ Tài chính đã có văn bản số 517/TB-BTC thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc áp dụng mã HS đối với nhóm các mặt hàng gỗ cao su xuất khẩu dạng tấm.

Văn bản nêu rõ, để tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Tổng Cục trưởng Tông cục Hải quan, chủ trì phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế khẩn trương thành lập đoàn công tác gồm có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiểm tra thực tế tại Công ty cổ phần Chế biến gỗ mộc Cát Tường.

Đoàn công tác sẽ tập trung đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan liên quan để xác định rõ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, quy cách sản phẩm trên nguyên tắc cụ thể, công khai, minh bạch, công bằng để quyết định việc áp mã HS phù hợp cho sản phẩm, báo cáo Bộ trưởng kết quả trước ngày 15/08/2020. 

Ngay sau đó, Tổng cục Hải quan cũng có công văn hỏa tốc gửi Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) thông báo về cuộc họp với các bên tại Cục Hải quan Đồng Nai.

Buổi đối thoại nhằm xác định rõ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, quy cách sử dụng để quyết định áp dụng mã số HS phù hợp đối với nhóm các mặt hàng gỗ cao su XK dạng tấm..

Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào chiều hôm nay, 5/8.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem