Vẫn còn tình trạng ATM "chết", hết tiền và người dân rồng rắn xếp hàng chờ rút tiền

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 01/02/2019 07:30 AM (GMT+7)
Dù hệ thống ngân hàng đã thực thi không ít giải pháp giảm “tắc đường” cho ATM ngày Tết nhưng tình trạng rồng rắn nhau xếp hàng rút tiền vẫn diễn ra trong những ngày gần đây. Đặc biệt là tại các khu công nghiệp, tình trạng ATM chết, hết tiền vẫn diễn ra khiến không ít người dân lo ngại không rút được tiền tiêu tết
Bình luận 0

“Rồng rắn” xếp hàng rút tiền

Khảo sát của phóng viên Dân Việt tại các máy rút tiền trên các tuyến đường lớn, khu tập trung nhiều cơ quan, văn phòng trong nội thành Hà Nội, lượng khách hàng đến rút tiền trong những ngày gần đây có sự gia tăng so với nhu cầu thời điểm trước đây.

Tình trạng “xếp hàng” đợi được rút tiền vẫn diễn ra song vẫn chưa rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt, tình trạng hết tiền hay máy trả tiền lẻ, tiền rách gần như không còn xảy ra như nhiều năm về trước.

Chia sẻ với Dân Việt, chị Vũ Thị Bích Hồng, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết ngày trước chị rất sợ phải đi rút tiền vào dịp cận Tết nhưng bây giờ tinh thần đã thoải mái hơn nhiều.

img 

“Nói thật, ngày xưa cứ nghĩ đến việc đi rút tiền tiêu tết là sợ. Cái sợ thứ nhất là chờ đợi. Có khi chờ đợi 30 phút mới đến lượt mình. Đến lượt rút thì cây lại hết tiền. Không hết tiền thì có khi tiền rút được toàn tiền lẻ, thậm chí mất góc, tiền rách. Nếu muốn tiêu lại phải vào ngân hàng đổi. Rất phức tạp. Nay đỡ nhiều rồi, tại khu vực chỗ tôi làm có nhiều cây ATM, tình trạng hết tiền hầu như không xảy ra, máy móc hỏng hóc cũng ít hơn trước. Rút cũng nhanh hơn trước còn việc chờ đợi thì vẫn phải đợi vì ai cũng muốn rút được tiền về quê ăn Tết mà, cái đó ai cũng thông cảm”, chị Hồng chia sẻ.

Không may mắn như chị Hồng, tại An Khánh, Hòa Đức – Hà Nôi, nhiều người dân lại tỏ vẻ không hài lòng về dịch vụ ngân hàng khu vực này. Sáng ngày 31.1 (tức 26 Tết), anh Ngô Văn Túy cho biết trên địa bàn Nam An Khánh, nơi anh Túy sinh sống số lượng cây rút tiền đếm được trên đầu ngón tay nên tình trạng hết tiền khi rút là chuyện “thường xuyên”.

img 

Máy ATM tại An Khánh, Hòa Đức - Hà Nội hết tiền vào sáng 31.1.2019

“Ở khu vực này ATM rất ít chỉ lác đác vài cái và rất xa nhau. Tôi đến đây được một lúc rồi, khách đến rút tiền cũng hết tốp nọ đến tốp kia nhưng đến lượt mình rút thì lại hết tiền. Ai đến nghe nói máy hết tiền đều lắc đầu chán nản. Đây không phải một lần, nhiều lần cây ATM này rơi vào tình trạng hết tiền. Gần như cuối tuần nào tôi cũng qua đây rút tiền, có hôm thì rút 200 nghìn thôi cũng không được, nếu rút 10 nghìn thì lại được và thường xuyên hết tiền”, anh Túy cho hay.

img 

Khách hàng "mệt mỏi" bỏ về vì không rút được tiền

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, bà Bùi Thị Suốt, người dân khu vực này cũng bức xúc bày tỏ, “Nhà tôi gần đây thật nhưng mỗi lần đi rút tiền không rút được cũng bực. Ở đây muốn đi rút của ngân hàng khác cũng khổ vì hiếm lắm. Như hôm nay tôi đứng đợi gần 30 phút rồi, sắp đến lượt thì hết tiền”.

Khổ nhất vẫn là những công nhân tại các khu công nghiệp. Muốn rút được tiền về quê ăn Tết phải đi vài máy ATM có khi còn chưa rút được.

Ghi nhận tại khu công nghiệp Thăng Long – Hà Nội, công nhân xếp hàng kéo dài vài chục mét để chờ rút tiền. Nhiều người chờ lâu, nóng ruột thậm chí còn có một số người mất kiên nhẫn bỏ về. Theo người dân, tình trạng này thường kéo dài từ 4h chiều tới 9h tối.

Chia sẻ về tình trạng rút tiền tại khu vực, một công nhân cho hay sáng nay anh này đã đi 3 - 4 cây ATM của nhiều ngân hàng khác nhau  nhưng không rút được tiền.

img

 Rồng rắn xếp hàng tại khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội

"Máy thì báo lỗi, máy thì hết tiền. 2, 3 máy nhưng chỉ còn 1 máy có tiền thôi. Máy nào rút được thì có hàng dài người đang chờ đợi nên quá nản và đành ra về", anh công nhân này cho hay.

img 

1 máy ATM báo lỗi khi nhiều người dân cần rút tiền

Khi được hỏi vì sao không sử dụng thẻ để thanh toán khi mua hàng, một nữ công nhân trên địa bàn này cho biết “Ở quê không có nhiều trung tâm thương mại nên không trả tiền qua thẻ được, phải rút tiền mặt. Thậm chí, rút tiền cũng phải chọn đúng máy của ngân hàng mình đang dùng mới dám rút. Có nhiều trường hợp bị nuốt thẻ rồi nên không muốn rút trái cây. Sợ lắm vì nếu rút trái cây mà bị nuốt thẻ thì không có tiền mà tiêu tết”

Cách Trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, tại xã Tiền Phong, Huyện Mê Linh theo người dân, cả xã chỉ có khoảng 4 cây ATM. Trong khi không có nhiều điểm chấp nhận quẹt thẻ, khiến người dân vẫn có thói quen rút tiền mặt ra tiêu. Đó cũng là lý do khiến các cây ATM gần tết luôn quá tải.

Anh Thiện, Mê Linh, Hà Nội cho biết, “Gần Tết về quê phải rút tiền mặt, ở quê phải lên thị xã, 4 5 km. Cả xã có 4 cây, nhu cầu rút lớn nên không có một thứ 7 hay chủ nhật nào là không hết tiền cả.”

Chính vì vậy, anh Thiện đã phải kiên nhẫn xếp hàng hơn 15 phút mới có thể rút được ít tiền mặt về tiêu tết. Dù biết phải chờ đợi, nhưng nếu không rút ở thành phố, thì khi về quê, nếu ATM lỗi, anh không biết đi đâu để có tiền ăn Tết.

Ngân hàng bị “phạt” nếu để tình trạng hết tiền xảy ra

Trong công điện vừa ban hành ngày 30.1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng yêu cầu các đơn vị trong ngành tập trung, đảm bảo dịch vụ cung ứng tiền thông suốt trong dịp tết. Trong đó, các ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, TP phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng. Kịp thời xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp máy ATM thiếu tiền, không hoạt động do lỗi chủ quan của ngân hàng.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng tiền mặt vào những ngày cuối năm luôn luôn tăng cao, nắm được nhu cầu của khách hàng nhiều NHTM đã có kế hoạch một tháng trước Tết tăng cường công tác giám sát các máy ATM để phát hiện sớm những cây ATM có lượng tồn tiền mặt ít và chủ động trong việc tiếp quỹ để đảm bảo luôn luôn có lượng tiền mặt đầy đủ tại các máy.

img 

Nhân viên VPBank tiếp quỹ sáng ngày 31.1.2019

“Tại các điểm chi trả lương như các KCN hoặc các công ty, nơi chúng tôi có các hợp đồng trả lương thì lượng tiền mặt để đảm bảo cho việc chi trả cho tháng lương cuối năm cũng được đảm bảo lên kế hoạch trước. Đồng thời chúng tôi cũng tăng cường nhân sự trực 24/7 trong những ngày cuối năm để đảm bảo khi bất kỳ một cây ATM nào có sự cố thì sẽ có đội kỹ thuật xử lý các sự cố ấy ngay tránh trường hợp cây ATM ngừng hoạt động”, đại diện VPBank cho hay.

Còn theo đại diện Trung tâm Thẻ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: BIDV đã hướng dẫn các Chi nhánh chủ động theo dõi hoạt động của hệ thống dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo chất lượng, an ninh, an toàn của hệ thống thẻ. Cụ thể như: Duy trì hoạt động hệ thống; Tăng cường công tác chăm sóc điểm đặt máy ATM; Kiểm tra giám sát ATM chống lắp đặt thiết bị sao chép, trộm cắp thông tin thẻ; Đảm bảo tiếp quỹ kịp thời phục vụ nhu cầu giao dịch của người dân; Đồng thời rà soát xử lý các tra soát, khiếu nại đúng hạn; Bố trí cán bộ trực theo dõi hoạt động ATM trong các ngày nghỉ Tết…

img 

Người dân nội thành xếp hàng chờ rút tiền

Thế nhưng, thực tế những năm qua cho thấy, dù các đơn vị có chuẩn bị chu đáo đến đâu, phòng ngừa kỹ thế nào thì vẫn xảy ra tình trạng “tắc đường” ở cây ATM tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư trong những ngày giáp tết. Đã có nhiều giải pháp được NHTM thực thi song vẫn phải thừa nhận một điều đây chỉ là những giải pháp tình thế, quan trọng hơn là phải thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Có như thế mới đẩy lùi được tình trạng máy ATM hết tiền, không hoạt động, nuốt thẻ mỗi khi tết đến, xuân về.

Theo thống kê được công bố gần đây nhất của NHNN (đến thời điểm tháng 9.2018) các đơn vị đã lắp đặt 18.173 cây ATM và 294.503 máy POS/EFTPOS/EDC. Trong quý III.2018 đã có 224.326.831 món giao dịch qua ATM với tổng trị giá 622.967 tỷ đồng; giao dịch qua POS/EFTPOS/EDC là  55.454.568 món tổng trị giá 117.887 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem