Vấn đề của Nhà nước không phải là lắc đầu...

Thứ sáu, ngày 16/12/2011 19:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tiền VND, ngoại tệ, hay vàng cũng là tài sản của người dân. Bởi vậy, việc đồng ý hay không đồng ý bảo hiểm các khoản gửi, không chỉ là trách nhiệm với giá trị đồng tiền, mà là trách nhiệm của Nhà nước đối với tài sản của dân.
Bình luận 0

"Bánh mì Sài Gòn, một ngàn một ổ". Đây là lời rao mà có lẽ người Việt đã quá quen thuộc, dù là người TP.HCM, hay Hà Nội, dù thành thị, hay nông thôn. Nhưng "một ngàn một ổ" là câu chuyện của 4 năm trước. Đến năm 2009, giá một ổ bánh đã tăng gấp đôi, và bây giờ là 3 ngàn...

Người dân Việt Nam có truyền thống cất giữ tài sản bằng vàng, và vài thập kỷ gần đây, bằng đô la Mỹ (USD). Với một niềm tin rằng dù không còn chế độ "kim bản vị" thì USD, đồng tiền mạnh nhất thế giới, vẫn được đảm bảo bằng sức mạnh của nền kinh tế... vàng. Còn vàng, dù Nhà nước có đổi tiền, dù lạm phát phi mã, thì vàng cũng không bao giờ là... giấy.

Xung quanh vấn đề bảo hiểm tiền VND, tại Ủy ban Thường vụ QH đã diễn ra một cuộc tranh luận. Có 18 ý kiến nhất trí với quy định "Chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng VND", nhưng có tới 49 ý kiến đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý.

"Nếu ngân hàng vẫn nhận tiền gửi của người dân bằng ngoại tệ, bằng kim loại quý thì can cớ gì chỉ bảo hiểm tiền đồng mà không bảo hiểm các loại tiền khác?" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

Đây cũng là những nỗi suy tư, lo lắng của người dân. Bởi nếu quan điểm "18 ý kiến" được thông qua, thì thực tế sẽ phải chấp nhận một điều tréo ngoe, một nghịch lý là dù hệ thống ngân hàng chấp nhận cho dân gửi tài sản bằng ngoại tệ, bằng vàng, nhưng lại lắc đầu đối với trách nhiệm bảo hiểm loại tài sản này.

Tiền VND, ngoại tệ, hay vàng cũng giống như trâu bò dê gà, đều là tài sản của người dân cả. Bởi vậy, việc đồng ý hay không đồng ý bảo hiểm các khoản gửi hoàn toàn không chỉ là trách nhiệm với giá trị đồng tiền, mà là trách nhiệm của Nhà nước đối với tài sản của dân. Không thể nào lại có sự phân biệt "trâu thì đền, bò thì không".

Trong thực tế, tỷ lệ chênh lệch đúng 10% giữa lãi suất gửi tiền VND và USD rất đáng để các nhà quản lý, và đặc biệt là các vị dân biểu suy nghĩ. Nhưng những người dân gửi ngoại tệ vào ngân hàng vẫn chấp nhận thiệt 10% lãi suất chỉ để đảm bảo rằng chỉ số an toàn của đồng tiền họ gửi xứng đáng với con số 10% chênh lệch đó.

Ổ bánh mì, trong 4 năm, giá đã tăng gấp hàng chục lần tốc độ tăng GDP. Tỷ lệ tăng giá hàng hóa, hay tốc độ mất giá của đồng tiền, trong trường hợp "ổ bánh mì", bỏ xa lợi tức mà người dân thu về từ lãi suất ngân hàng. Một ổ bánh mì Sài Gòn thời điểm 2011 đang được bán với giá 3.000 đồng. Rất có thể, ngay đầu năm 2012 sẽ là 4.000đồng.

Bởi vậy, vấn đề của Nhà nước không phải là lắc đầu đối với việc bảo hiểm tài sản bằng ngoại tệ, bằng kim loại quý mà phải là việc giữ giá trị đồng tiền và làm cho người dân tin tưởng đến mức tự nguyện chuyển đổi hình thức cất giữ tài sản bằng vàng, bằng ngoại tệ sang VND.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem