40.000 tá trứng được cấp hạn ngạch nhập khẩu: Lợi bất cập hại?

Thứ bảy, ngày 11/08/2012 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều chuyên gia cho rằng, việc công bố thông tin về cấp hạn ngạch cho nhập khẩu trứng trong thời điểm này là không cần thiết. Nếu không cẩn thận, việc nhập khẩu sẽ tác động đến giá trứng trong nước.
Bình luận 0

Chỉ là thủ tục?

Chiều qua (10.8), Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo để công bố thông tin về việc cấp hạn ngạch nhập khẩu trứng gia cầm theo hạn ngạch thuế quan của năm 2012. Theo Thông tư 22 ngày 6.8.2012 của Bộ Công Thương, trong năm 2012, Bộ này sẽ cấp hạn ngạch thuế quan cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu 40.000 tá trứng gia cầm (bao gồm trứng gà và trứng vịt). Các sản phẩm trứng này đã qua bảo quản và làm chín trước khi nhập khẩu về Việt Nam.

img
Hiện nay, nguồn trứng gia cầm ở các trang trại, cơ sở rất dồi dào.

Bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ năm 2007 trở đi, chúng ta bắt đầu phải cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 30.000 tá trứng gia cầm và tăng lên 5% mỗi năm. Như vậy, năm 2012, chúng ta sẽ phải cấp hạn ngạch để nhập khẩu 40.000 tá trứng”. Tuy nhiên, theo bà Hà, từ năm 2007 đến nay, chưa có doanh nghiệp nào trong nước đăng ký nhập khẩu trứng...

Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng cho biết: “Theo cam kết khi đàm phán gia nhập WTO, hàng năm chúng ta phải công bố một hạn ngạch nhập khẩu đối với 4 mặt hàng, trong đó có mặt hàng trứng và bắt buộc phải công bố thông tin”. Ông Biên cũng chia sẻ: “Đúng là vào thời điểm này, việc công bố thông tin về nhập khẩu trứng là rất phản cảm về mặt xã hội trong điều kiện sản phẩm trứng trong nước của chúng ta đang dư thừa, người nông dân không bán được sản phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ không có doanh nghiệp nào đăng ký nhập khẩu trứng theo hạn ngạch vừa công bố”.

Có thể tác động đến mặt hàng trứng

Mặc dù theo thông tin lý giải của Bộ Công Thương, việc công bố thông tin về nhập khẩu 40.000 tá trứng chỉ là… thông tin, nhưng theo ông Nguyễn Đức Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện mặt hàng trứng cung đang vượt cầu, nên giá thành thấp, khiến người chăn nuôi chịu lỗ khoảng 500 đồng/quả trứng. Trong khí đó, giá thức ăn chăn nuôi dự báo sẽ còn tiếp tục tăng ít nhất là một đợt nữa từ nay tới cuối năm sẽ càng làm cho ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn hơn.

“Việc công bố thông tin nhập 40.000 tá trứng, cũng có thể gây những tác động xấu đối với mặt hàng trứng trong nước, làm ảnh hưởng tới người chăn nuôi. Theo tôi, chúng ta cần có nghiên cứu thêm các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu mặt hàng trứng trong thời điểm hiện tại, nếu không, người dân sẽ còn thua lỗ hơn nữa”- ông Trọng nói.

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng: “Việc giảm đàn gia súc, gia cầm hiện nay có nơi tới 60% đang là nguy cơ cảnh báo việc thiếu hụt thực phẩm trong thời gian tới. Do vậy, vào thời điểm này chúng ta nên cân nhắc việc nhập khẩu chính ngạch”. Ông Vang cũng đề xuất: “Tôi nghĩ các bộ, ngành và địa phương cần có các biện pháp đồng bộ và hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn và kiểm soát gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới. Việc điều hành nhập khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi cần phải được tiến hành chặt chẽ hơn”.

Giá trứng giảm 47%

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có 4,1 tỷ quả trứng gia cầm được sản xuất, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trứng gia cầm liên tục giảm. Tại miền Bắc trứng gà công nghiệp xuất tại chuồng từ 1.700- 1.800 đồng/quả tháng 1 xuống chỉ còn 900 đồng/quả vào tháng 5, giảm 47%; trứng vịt thương phẩm từ 2.400 đồng/quả xuống còn 1.500 đồng/quả. Hiện giá trứng bán ra tại chuồng đang nhích dần lên: Bình quân trứng gà 1.600- 1.700 đồng/quả; trứng vịt 1.800- 1.900 đồng/quả”.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc công bố thông tin về cấp hạn ngạch cho nhập khẩu trứng trong thời điểm này là khá nhạy cảm, bởi giá trứng trong nước hiện đang rất rẻ. “Việt Nam đang dư thừa trứng, giá lại rẻ. Theo tôi, dù là nhập khẩu theo hạn ngạch, nhưng chúng ta cũng cần phải có các hàng rào kỹ thuật để hạn chế việc nhập khẩu, hoặc dời thời gian nhập khẩu để từ đó vừa bảo vệ được sản xuất trong nước, vừa không trái với các quy định của WTO”.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cũng khẳng định: Người chăn nuôi nhiều năm nay luôn phải ứng phó với tình trạng giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn, thuốc thú y tăng liên tục, trong khi đó giá sản phẩm chăn nuôi tăng không tương xứng. Nhiều địa phương, người ND không còn mặn mà, tâm huyết với nghề chăn nuôi bởi sản xuất thua lỗ...

“Có thể số lượng cho phép nhập khẩu gần nửa triệu quả là không lớn so với sản lượng trứng sản xuất cũng như nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nhưng cho phép nhập khẩu trứng vào đúng thời điểm mà ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn về tiêu thụ, giá cả thấp, bấp bênh thì chẳng khác nào đổ thêm khó khăn lên đầu người chăn nuôi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem