Dân núi thành dân biển
Dân sơn tràng trở thành vạn chài! Đó không phải là mơ, mà là thực. Chuyện là từ khi lòng hồ Thuỷ điện Sơn La tích nước (2010), hàng ngàn hộ dân sống ven lòng hồ thuộc địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã hình thành những bản mới trên núi cao để chống ngập.
Nhưng đồng thời với việc chuyển lên ở trên núi cao, cuộc mưu sinh của họ cũng thay đổi hẳn: Không còn ngửa cổ sải những bước chân mạnh mẽ trên núi cao; không còn tiếng hú gọi vang vọng những sườn đồi; không còn kiểu bản này sang bản nọ bằng việc chạy bộ… Bây giờ tất cả là mặt nước và con thuyền là sinh kế.
|
Gia đình ông Hoàng Văn Nơi vào cạp con thuyền bê tông nứa mới để làm phương tiện kiếm sống trên lòng hồ. |
Anh Điêu Chính Hưng - Trưởng bản Hé, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, chỉ tay qua ô cửa sổ, bảo: Các anh cứ nhìn quanh nhà là thấy nước. Nước ngập mênh mông, đất sản xuất bị hạn chế, đi lại thì đường bộ chẳng còn nên bây giờ chúng tôi chuyển từ dân vùng cao thành dân vùng biển. Cái chân quen trèo núi, cái tay hay cầm cuốc, cầm dao; bao đời sống bằng nương rẫy quen rồi, giờ sống với mặt nước nên nhiều người chưa quen, cũng khổ lắm. Nhưng là dân lòng hồ, chẳng sống bằng nước thì sống bằng gì?
Ngay trước, cửa nhà anh Hưng là bến đò của bản, nơi hàng chục chiếc thuyền to, nhỏ cứ thay nhau cập bến. Gọi là bến cho oai, chứ thực ra nó chỉ là một gò đất nhô ra lòng hồ với mấy lùm cỏ mọc um tùm ở đầu con đường dẫn vào bản. Hàng chục chiếc thuyền to, nhỏ cứ thay nhau cập bến.
Ông Điêu Văn Chính - dân bản, giải thích: Cái to đùng sơn đỏ kia là thuyền hàng của dân ngoài thị trấn. Họ mang hàng tạp hoá và chở khách vào đây; rồi mua đi, bán lại những thứ dân bản có. Chủ yếu là mua tôm, cá, ngô, lợn của dân. Còn mấy cái thuyền nhỏ kia là của dân ở đây, vốn là công cụ để thả vó tôm, lưới nhỏ và là phương tiện đi lại. Buổi trưa rỗi rãi, bọn nhỏ đang mang ra để dạy nhau chèo thuyền cho quen với sóng nước.
Bây giờ là dân biển hồ rồi, sợ nước là chết đói; không biết bơi là chết đuối. Là dân lòng hồ, có thể không có xe máy nhưng phải có thuyền. Giàu thì sắm thuyền máy, thuyền to; nghèo như chúng tôi thì sắm thuyền nhỏ, chèo tay. Cứ biết chèo thuyền là sẽ có cơm ăn. Có nhiều vốn đầu tư mua lưới, sắm bè thì đánh bắt cá. Ai ít vốn thì ứng lấy dăm ba trăm cái đó thả đón tôm hoặc thả câu quanh ven bờ.
Lạ kỳ thuyền "bê tông cốt nứa"
Đến với những bản khác bên bờ hồ sông Đà trong huyện, thấy nhà ai cũng có ít nhất - 2 con thuyền nhỏ. Nhà nhiều có đến 4 - 5 thuyền. Ông Hoàng Văn Dun - trưởng bản Kích, xã Pác Ma-Pha Khinh, bảo: “Thuyền là công cụ kiếm ăn của nông dân lòng hồ. Nó như cái cuốc, con trâu nên số thuyền trong mỗi hộ dân được tính theo lao động chính, chủ yếu là nam giới. Nhà tôi có 2 vợ chồng nên chỉ sắm một chiếc thôi”.
Cả nhà Chi hội trưởng nông dân bản Hoàng Văn Nơi đang tập trung vào cạp một chiếc thuyền mới. Năm - sáu thanh niên lực lưỡng, cởi trần đang căng mình dưới nắng trời, uốn tấm phên nứa theo hình cạp. Tấm phên nứa thưa rểnh roảng như người ta đan rổ làm tôi ngạc nhiên bởi việc đan thuyền tre phải vào nan rất khít mới mong chống được nước tràn vào.
Anh Nơi giải thích: Đây là thuyền đặc trưng của nông dân Quỳnh Nhai đấy. Chỉ cần chục cây nứa, đan nhoáng nhoàng trong buổi sáng là xong. Chiều đến tập trung vào cạp là coi như hoàn thành 50% con thuyền. Nan thuyền không cần đan dày như dân miền xuôi làm thuyền thúng bằng tre bởi ở đây là thuyền bê tông nứa. Lát nữa, tôi trát vữa xi măng cát vào là thuyền kín mít. Chỉ sau 2-3 ngày nắng ráo là hạ thuỷ được. Nhà tôi có 4 nam giới, đều là lao động chính nên phải làm 4 chiếc thuyền…
“Thuyền được ví như cái cuốc, con trâu nên số thuyền trong mỗi hộ dân được tính theo lao động chính, chủ yếu là nam giới”.
Ông Hoàng Văn Dun - Trưởng bản Kích, xã Pác Ma-Pha Khinh
Một cối vữa to được đánh ngay giữa sân, gồm 2 bao xi măng trộn cùng khoảng 4 bao cát sạch. Cũng chẳng cần bay hay dao xây, bố con anh Nơi cứ tay không bốc vữa mà trát vào lớp nan tre trên con thuyền mới vào cạp. Chỉ vài giờ đồng hồ, con thuyền dài tới 4,5m, rộng 1,5m đã được bọc kín bởi lớp vữa, chừa ra mỗi cái cạp bằng tre.
"Tính ra cả con thuyền chỉ tốn mấy trăm ngàn đồng vì nứa lấy trên rừng. Công sức mình bỏ ra cả, chỉ mua mỗi bao xi măng Bỉm Sơn là tốn kém vì giá ở đây đắt hơn ngoài thị trấn nhiều, tới 230 ngàn đồng/tạ. Nếu mua thêm cát và dây thép buộc cạp thì tổng chi phí cũng chỉ khoảng 400-500 ngàn đồng/thuyền. Lúc đầu, ai cũng lo nó không đảm bảo vì bê tông nhưng cốt nứa. Ấy vậy mà từ năm ngoái đến nay, trong số cả trăm cái thuyền bê tông nứa ở vùng này, chưa thấy cái thuyền nào hỏng cả".
Trao đổi lại với Trưởng bản Hoàng Văn Dun, ông bảo: Dân nghèo nên phải làm thuyền bê tông cốt nứa thôi, chứ đảm bảo sao bằng thuyền tôn, thuyền gỗ được. Nhưng dù cái thuyền kém chất lượng thì cũng còn có cái mà đi lại, kiếm ăn. Không có thuyền là bó tay nên phải nghĩ cách làm ra thuyền nhanh nhất, rẻ nhất. Tới đây có miếng ăn, miếng để thì sắm cái thuyền máy bằng tôn, chạy nhanh, chở nhiều, không tốn sức, ai mà chả thích.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.