Vận hành, khai thác các công trình thủy điện: Hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hạ lưu

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 11/08/2014 07:31 AM (GMT+7)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang tập trung đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ quản lý vận hành các dự án thủy điện; đầu tư trang thiết bị cần thiết đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả, an toàn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trong quá trình vận hành…
Bình luận 0

Đây là bước triển khai của EVN thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Tuân thủ đúng quy định

Ông Dương Quang Thành-Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, đến thời điểm hiện nay, EVN đã và đang đầu tư xây dựng 36 dự án thủy điện với tổng công suất 12.737MW, trong đó có 29 dự án đã đưa vào vận hành với tổng công suất 10.346MW và 7 dự án đang xây dựng với công suất 2.391MW là Lai Châu, Huội Quảng, Trung Sơn, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đa Nhim mở rộng và Thác Mơ mở rộng.

Các dự án thủy điện do Tập đoàn làm chủ đầu tư đều là các dự án có công suất lắp máy từ 60MW trở lên, nằm trên các hệ thống sông theo quy hoạch bậc thang thủy điện đã được Bộ Công Thương thẩm tra và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các dự án đã hoàn thành và đang thi công đã thực hiện theo đúng các quy định về chính sách, pháp luật của Nhà nước về đầu tư xây dựng.

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đến nay của các dự án do EVN quản lý cơ bản thực hiện xong. Trong quý III/2014, EVN sẽ hoàn tất nốt việc bồi thường 166,97ha diện tích đất trên cốt ngập của 126 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Thủy điện An Khê Kanak với số tiền 17,8 tỷ đồng.

EVN cũng đã thống nhất cấp kinh phí và giao cho UBND huyện Đak Glong (tỉnh Đồng Nai) làm chủ đầu tư để lập dự án khai hoang 300ha đất sản xuất để cấp cho các hộ tái định cư Thủy điện Đồng Nai 3. Với Thủy điện Bản Vẽ, EVN đang xây dựng lại 2 cầu trong khu tái định cư bị hỏng do lũ năm 2013, trị giá 30 tỷ đồng để hỗ trợ khu tái định cư Thanh Chương…

Bảo đảm an toàn hạ du

Kết quả kiểm tra và đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy, định kỳ hàng năm, trước và sau mùa lũ, các đơn vị quản lý vận hành của EVN đã kiểm tra, đánh giá tình trạng công trình, thiết bị, tình hình sạt lở vùng hồ và có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời bảo đảm đủ điều kiện đưa công trình, hồ chứa vào hoạt động an toàn trong mùa mưa bão. Trước mùa lũ hàng năm, các đơn vị cũng xây dựng phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập trong mùa mưa lũ.

Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ năm 2006 đến nay, hệ thống các hồ chứa Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Sơn La đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng chống lũ và cấp nước cho đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội; đồng thời phối hợp vận hành xả nước hàng năm cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân của đồng bằng Bắc Bộ với tổng dung tích từ 3-5 tỷ m3.

Để khai thác tối ưu nguồn năng lượng thủy điện, đặc biệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11, thời gian tới, EVN sẽ cùng phối hợp với Bộ Công Thương chú trọng rà soát các quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp nhằm đảm bảo an toàn đập, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến hạ du. Đối với các dự án đã đi vào vận hành, theo ông Thành, EVN sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát về an toàn đập, hồ chứa thủy điện; rà soát các hồ, đập thủy điện xung yếu, duy tu sửa chữa kịp thời các hệ thống liên quan đến an toàn công trình, đề xuất các giải pháp ứng phó sự cố, đặc biệt trong mùa lũ.

  EVN hiện đang rà soát hiện trạng các dự án thủy điện đã quy hoạch, đang đầu tư xây dựng và đã vận hành để nghiên cứu phát triển thêm các dự án thủy điện mới có hiệu quả kinh tế - tài chính và ít ảnh hưởng tác động đến môi trường. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem