PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, khi đại dịch Covid-19 lên đỉnh điểm, mỗi ngày có đến hơn 200 thai phụ trở thành F0. Khi đó, số trẻ sơ sinh được sinh ra từ thai phụ mắc Covid-19 cũng gia tăng, các bé thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác khi không được da kề da với mẹ.
Để đảm bảo an toàn, các bé cũng phải được đưa đến khoa Sơ sinh, cách ly gia đình đến 72 tiếng đồng hồ để chờ xét nghiệm. Hơn hết, có trẻ không được về nhà bởi vì hầu như tất cả người thân trong gia đình đều là F0. Lúc này, bệnh viện thật sự quá tải khi mỗi ngày có hơn 200 trẻ được sinh ra trong khi năng lực chăm sóc tại đây chỉ là hơn 100 trẻ.
Vì vậy, bệnh viện thành lập Trung tâm H.O.P.E để tạm thời nuôi dưỡng trẻ trong khi chờ các bà mẹ âm tính với SARS-CoV-2. Tuy có nhiều chị em phụ nữ tình nguyện làm mẹ, chăm sóc các bé rất kỹ lưỡng nhưng các bé vẫn chịu thiệt thòi khi không có nguồn sữa mẹ. Điều này đã trở thành động lực để bệnh viện quyết tâm thực hiện bằng được Ngân hàng sữa mẹ.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ Ireland, Công ty Alive & Thrive Việt Nam và Công ty Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương có quy mô hơn 300 m2, có đầy đủ dây chuyền vận hành đảm bảo hiệu quả và an toàn theo quy định Bộ Y tế và một số tiêu chuẩn quốc tế. Đây là Ngân hàng sữa mẹ thứ 2 ở miền Nam (cùng với Bệnh viện Từ Dũ), là ngân hàng thứ 4 toàn quốc nhưng có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, có thể thanh trùng lên đến 62 lít sữa mỗi ngày.
Chị Trần Thị Thanh Nhàn sinh non khi em bé mới được 24 tuần tuổi. Không may mắn, em bé của chị đã mất sau khi sinh. Vượt qua nỗi đau mất con, thấu hiểu sự thiệt thòi của các em bé sinh non không được bú mẹ, chị đã tình nguyện tham gia hiến sữa từ đầu tháng 7, đến nay chị đã hiến được 13 lít sữa.
Chị Nhàn là một trong 17 bà mẹ có con dưới 1 tuổi tham gia hiến sữa tại Bệnh viện Hùng Vương. 17 bà mẹ đã hiến tặng sữa cho ngân hành với tổng lượng sữa là 235 lít sữa thô. Ngân hàng sữa mẹ cũng đưa vào sử dụng phần mềm quản lý có thể theo dõi tổng số lượng sữa hiến tặng thô, hồ sơ được phê duyệt, lượng sữa mẹ được thanh trùng. Việc hiến tặng sữa cho ngân hàng là nghĩa cử nhân văn góp phần giúp các trẻ nguy cơ cao được tiếp cận nguồn sữa mẹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.