Văn hóa phải là nền tảng, mục tiêu phát triển...

Mai An Thứ sáu, ngày 30/01/2015 08:02 AM (GMT+7)
Một trong những luận điểm quan trọng trong Nghị quyết 33 của Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI) là văn hóa phải được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước và “đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. 
Bình luận 0

Nền tảng tinh thần của xã hội...

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nền văn hóa đất nước đã có những chuyển biến tích cực nhưng bên cạnh đó, không phải là không còn nhiều những bất cập, yếu kém, tồn tại.

Trong báo cáo tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật hiện nay” do Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư tổ chức tại TP.HCM vào cuối năm 2014, PGS - TS Nguyễn Hồng Vinh- Chủ tịch Hội đồng đã nhấn mạnh: Bên cạnh những mặt phát triển, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của chúng ta thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đặc biệt chưa bảo đảm văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển bền vững đất nước, chưa góp sức tích cực xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam.

Vì vậy, trong Nghị quyết số 33 của Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI), Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ: “So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng, môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”...

img
Một góc triển lãm về truyền thống, văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội). Ảnh: Thu Cúc 

Từ nhận thức sâu sắc nội hàm của văn hóa và vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Nghị quyết T.Ư 9 đã bổ sung, phát triển 3 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết T.Ư 5, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

 

PGS-TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: “Văn hóa là một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội; cùng với phát triển, văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, việc nhận diện về vai trò của văn hóa trong phát triển ngày càng được hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện rõ trong chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ đổi mới, tư duy lý luận của Đảng về văn hóa đã được nâng lên một tầm cao mới, Đảng ta xác định, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển, là nền tảng của tinh thần xã hội”.

Cần ưu tiên đầu tư cho văn hóa

Quan điểm

GS - TS Trần Văn Bính
  Ở một giai đoạn nào đó, khi nhận thức bất cập, do phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách đã khiến chúng ta không coi văn hóa là 1 trong 4 bộ phận cấu thành xã hội, thậm chí có những lúc người ta còn quên văn hóa, chỉ biết đến kinh tế, chính trị, xã hội”. 
Để hiện thực hóa quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất là phải ưu tiên đầu tư cho văn hóa. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: “Nghị quyết lần này lại thêm một lần nữa xác định vị trí quan trọng của văn hoá. Tôi cho rằng, việc nhấn mạnh ý nghĩa của cụm từ “đặt ngang hàng” có nguyên nhân vì lâu nay văn hoá chưa được quan tâm phát triển đúng mức, rất nhiều ngành, nhiều đơn vị chỉ mải mê tập trung phát triển nghiêng về kinh tế. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc xã hội nảy sinh rất nhiều bất cập bởi sự phát triển không đồng đều trong các mục tiêu phát triển giữa kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội”.

 

GS-TS Đinh Xuân Dũng - thành viên Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư cho rằng: “Chúng ta rất cần tập trung nhân lực, vật lực và tài lực cho 3 lĩnh vực quan trọng tạo nên diện mạo của văn hóa Việt Nam đương đại đó là đời sống văn hóa của toàn xã hội, những sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật đỉnh cao và những công trình văn hóa tiêu biểu, xứng đáng với giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Không nên đầu tư tràn lan, thiếu trọng điểm vào những mục tiêu quá rộng lớn”.

GS-TS Trần Văn Bính - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ cần đầu tư về của cải, vật chất mà quên đi chuyện đầu tư về trí tuệ và công tác văn hóa không phải là công tác của một bộ. Văn hóa của nước Việt Nam không chỉ lệ thuộc vào Bộ VHTTDL, mà Bộ VHTTDL chỉ phụ trách một lĩnh vực nhỏ trong đời sống văn hóa của đất nước. Đầu tư cho văn hóa phải thuộc lĩnh vực của tất cả các bộ khác như Bộ Giáo dục- Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế… Có như thế thì mới có được bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc đặt văn hóa ngang bằng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem