Văn hoá truyền hình

Nguyễn Quang Thân Thứ bảy, ngày 24/01/2015 08:13 AM (GMT+7)
Thông thường người ta dùng công cụ truyền hình để truyền bá văn hóa, “dạy dỗ” người xem về văn hóa, lối sống văn minh, tinh thần đạo đức... 
Bình luận 0

Cho nên lạm bàn về “văn hóa truyền hình” ở đây chỉ có tham vọng nói đôi câu về cái văn - hóa - của- người - làm - truyền - hình chứ không phải của người xem là chuyện bất đắc dĩ, đánh trống qua cửa sấm, mong được thông cảm.

Bởi vì các vị làm truyền hình đã phải dồn dập xin lỗi vì những sai sót lớn nhỏ, bởi vì lâu nay người xem truyền hình không chỉ thấy các vị sai sót mà còn để lộ ra một cái lỗ hổng sâu hoắm, đó là cái lỗ hổng văn hóa.

Chắc chúng ta đều thừa nhận, một “hố tử thần” trên đường cái quan thì công chính hay giao thông chỉ lấp trong vài giờ, một thiếu sót kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng thì chỉ sửa chữa vài giây vài phút, nhưng cái lỗ hổng văn hóa thì không thể tính được thời gian. Bởi vì, văn hóa cũng là thói quen, tập quán, nó hình thành từ những quan niệm thâm căn cố đế được lưu cữu lâu ngày mà muốn gột rửa nó thì chắc chắn thời gian không thể ngắn hơn.

Những vụ “sai sót” của Đài VTV nếu nhìn tử góc độ văn hóa là như thế. Xin lỗi người xem kịp thời là điều phải làm và đáng khen. Người xem cũng chẳng hẹp hòi gì mà không bỏ qua cho những cái lỗi đã làm họ tổn thương không nhỏ về mặt tinh thần ấy. Nhưng phân tích vào chiều sâu sự kiện mới là cần thiết. Cần thiết để không chỉ “rút kinh nghiệm”, “xin lỗi” mà để thay đổi một tư duy, một cách nhìn.

Vậy đưa tin sai sự thật là cái gì? Trăm phần trăm đó là thực hiện hay đồng lõa với thói giả dối. Nộp phạt vài chục triệu không đủ đau xót đối với một đài truyền hình lắm tiền nhiều của mà cần thay đổi căn bản cách nhìn, cách xử lý đối với sự thật. Cẩm nang đã có sẵn rồi: “Hãy nhìn thẳng vào sự thật”, nghị quyết đã nhiều lần nhắc, các vị không nhớ không làm mà thôi.

Vậy không kiểm tra, không thẩm tra trước khi phát sóng là gì? Là coi thường người xem! Phải chăng nó giống với bà chủ quán cơm dọn rau sống cho khách ăn mà “quên” rửa. Nói chân thành, đó là thói quen coi thường người ăn. Ý nói, đây chỉ thế thôi, không ăn thì trả lại.

Người không ăn thì trả, nhưng người xem truyền hình thì trả lại bằng cách gì? Thái độ coi thường người xem còn thể hiện ở những cú cắt ngang xương một chương trình để quảng cáo mà không báo trước, là cách hỏi như mình là cha bố người ta trong các cuộc phỏng vấn (mà người ta ở đây thường là những người cao tuổi, đáng kính), chúng ta dễ nhận ra sự thiếu lễ phép của nhiều MC trẻ. Không thưa gửi, vâng dạ phỏng vấn người ta mà cứ như “hỏi cung”. Điển hình là MC Quốc Khánh đã láo xược cắt lời tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc trong một buổi phỏng vấn về sự cố sân bay Tân Sơn Nhất mới đây, là sự cố gọi cổ động viên bóng đá Hải Phòng là “bầy hổ đói”...

Lỗi xảy ra thì nhiều, nhưng suy ra chỉ có 2 cái lỗ hổng văn hóa. Đó là không dám nhìn thẳng vào sự thật và coi thường người xem. Chỉ có hai, không nhiều, nhưng khỏa lấp nó không phải dễ. Mong các vị bỏ qua nếu có gì không phải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem