Vẫn loay hoay rải vụ trái cây

Thứ ba, ngày 02/07/2013 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau hơn một năm chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất rải vụ cây ăn trái khu vực phía Nam, đến nay, ngành trồng trọt vẫn loay hoay với việc giải quyết vấn nạn “được mùa, rớt giá” của sản phẩm trái cây.
Bình luận 0

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức sản xuất rải vụ nhưng nếu không giải quyết được vấn đề thị trường, sản phẩm trái cây Việt Nam sẽ khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn rớt giá khi vào chính vụ như những năm qua.

img
Chôm chôm bị bỏ chín khô do giá bán quá thấp tại Đồng Nai. 

Giải pháp tình thế

Thống kê của Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam (Sofri) cho biết, tháng 6, tháng 7 hàng năm là lúc thu hoạch chính vụ hàng loạt giống trái cây nhiệt đới trong nước như chôm chôm, xoài, sầu riêng, thanh long… Đồng thời, đây cũng là thời điểm nhiều loại trái cây của các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan… chín rộ.

Sản lượng lớn dẫn tới tình trạng dội chợ, giá thấp do cung vượt cầu. Để giảm bớt tình trạng này, TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Sofri cho rằng, rải vụ là một biện pháp hữu hiệu. Rải vụ giúp giảm sản lượng lớn do thu hoạch không cùng thời điểm trong nước cũng như trùng mùa vụ với các nước xung quanh. Nhờ đó, giá bán các sản phẩm trái cây sẽ tốt hơn.

Mới đây, Bộ NNPTNT cũng đã có văn bản đề nghị đưa 5 loại trái cây chủ lục của ĐBSCL vào sản xuất rải vụ, gồm sầu riêng, nhãn, chôm chôm, xoài và thanh long. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là một trong số những biện pháp tình thế nhằm giải quyết tạm thời đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái.

Nhà vườn bỏ chôm chôm chín khô

Đang là thời điểm thu hoạch chính vụ nên giá thu mua chôm chôm tại khu vực Đông Nam Bộ ở mức thấp, chỉ 2.500 – 2.800 đồng/kg. Trong khi đó, giá thuê công hái trái cũng đã tốn từ 800 – 900 đồng/kg, chưa kể công vận chuyển, bảo quản… khiến nhiều nhà vườn không mặn mà với việc thu hoạch, bỏ chôm chôm chín khô trên cây rất nhiều.

Theo TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, rải vụ chưa chắc đã giải quyết dứt điểm chuyện “được mùa, rớt giá” của trái cây mà thị trường tiêu thụ mới là yếu tố quyết định. Bà Mai phân tích, nếu kỳ vọng quá nhiều vào rải vụ, bà con nông dân đồng loạt chuyển từ sản xuất chính vụ sang làm trái vụ thì sẽ lặp lại tình trạng “dội chợ” do sản lượng lớn, khác chăng chỉ là ở một thời điểm khác so với hiện nay.

“Nếu thực hiện thành công việc rải vụ nhưng không tìm được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thì tình trạng được mùa rớt giá sẽ vẫn xảy ra. Lúc này, ai chịu trách nhiệm cho nông dân?” - TS Võ Mai đặt vấn đề.

Trong khi đó, tại Hội thảo “Triển khai sản xuất cây ăn trái rải vụ vùng Nam Bộ” do Sofri tổ chức mới đây, nhiều đại biểu lo ngại rằng, để sản xuất rải vụ thành công, nông dân phải sử dụng nhiều thuốc hóa học cũng như phân bón, chi phí do đó sẽ tăng lên. Ngoài ra, tình trạng phát sinh bệnh mới cũng có thể xảy ra do nông dân ép cây sinh trưởng trái với mùa vụ tự nhiên. Đồng thời, tuổi thọ, năng suất của cây cũng có thể bị ảnh hưởng.

Nên chú trọng xuất khẩu

TS Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục BVTV) cho biết, nhu cầu nhập khẩu trái cây Việt Nam ở một số thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… đang rất lớn, trong đó, một số sản phẩm như thanh long, chôm chôm… đã có lượng xuất khẩu tăng mạnh trong năm nay. Do đó, bên cạnh việc tổ chức rải vụ, nếu tận dụng được thị trường xuất khẩu, trái cây Việt Nam vẫn có thể bán được với giá tốt hơn.

Cụ thể, ông Đạt cho biết, từ đầu năm đến nay, sản lượng thanh long Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2012. Dự kiến đến cuối năm 2013, sản lượng thanh long xuất khẩu vào thị trường này sẽ đạt mức 2.000 tấn, tăng 800 tấn so với 2012. Ngoài ra, xuất khẩu thanh long vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng xấp xỉ 25% so với cùng kỳ năm trước.

“Riêng với chôm chôm, dù giá bán hiện nay tại các siêu thị ở mức khoảng 15USD/kg, cao hơn gấp 3 lần so với chôm chôm Mexico nhưng khách hàng Mỹ vẫn rất chuộng chôm chôm Việt Nam. Đây là điều kiện tốt và là cơ hội để chôm chôm Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ” - ông Đạt nói.

Ngoài thanh long và chôm chôm, các sản phẩm khác như vú sữa, xoài, sầu riêng… của Việt Nam cũng được nhiều khách hàng thế giới ưa chuộng, nhiều thị trường mới cũng đang rộng cửa cho sản phẩm trái cây Việt Nam. Cụ thể như xoài, vải, nhãn… của Việt Nam cũng đã hoàn tất việc phân tích nguy cơ dịch hại và các thủ tục pháp lý…, đang trong thời gian chờ cấp phép xuất khẩu vào Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Đến tháng 9 năm nay, New Zealand cũng sẽ mở cửa cho thanh long Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem