Quan điểm này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016.
Trả lời báo chí về những giải pháp điều hành cụ thể của NHNN đối với thị trường vàng tới đây, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đồng thời là người phát ngôn NHNN đã đưa ra câu trả lời khá ngắn gọn.
Theo bà Hồng, sau những đợt “sóng” gần 3 năm qua thị trường vàng trong nước đã “êm” trở lại. Kết quả này có được là nhờ những quyết tâm điều hành của cơ quan quản lý theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về Quản lý thị trường vàng có hiệu lực từ tháng 4/2012. Tuy nhiên, dù thị trường vàng đã "êm" sóng trở lại, nhưng vẫn nằm trong "tầm ngắm" quản lý của cơ quan điều hành.
Bà Hồng thông tin thêm, thực hiện tinh thần chỉ đạo chung toàn thị trường tài chính, tiền tệ, trong nội dung Chỉ thị 01/CT-NHNN mới ban hành, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tiếp tục yêu cầu thực hiện quản lý chặt chẽ thị trường vàng trong thời gian tới.
“Nghị định 24 ra đời nhằm củng cố, ổn định lại thị trường vàng trong nước. Nội dung của Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN vẫn tiếp nối những nội dung điều hành mà NHNN đang thực hiện. Vì thế, ổn định thị trường vàng và đảm bảo quyền lợi người dân vẫn là mục tiêu mà NHNN hướng tới” – bà Hồng khẳng định.
Trước đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016. Ngoài những nội dung quan trọng về xử lý sở hữu chéo, lãi suất, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng…. Thống đốc còn đưa ra yêu cầu tiếp tục siết chặt quản lý đối với thị trường vàng.
Cụ thể, người đứng đầu cơ quản quản lý tiền tệ chỉ đạo tiếp tục thực hiện quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đảm bảo việc quản lý thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ thị trường vàng theo hướng ngày càng thu hẹp thị trường vàng miếng, tiếp tục ngăn chặn, đầy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ một cách lành mạnh phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Từ đầu năm 2016 đến nay, chênh lệch giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế chưa vượt qua được ngưỡng 500.000 đồng/lượng, có thời điểm chỉ còn 230.000 đồng/lượng. Dù độ giãn cách hẹp, nhưng dường như giới đầu cơ đã không còn mặn mà với vàng, nên thị trường này không còn những cơn sốt "nóng, lạnh" như thời điểm cách đây 3-4 năm.
Nguyễn Hoài (Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.