Cầm tấm thẻ bài chòi trên tay, ông Phước kể: “Từ nhỏ, tôi đã đam mê nghệ thuật khi nghe giọng hát bài chòi cổ của bà nội. Năm 2011, Trung tâm Văn hóa TP.Quy Nhơn mở lớp học bài chòi, tôi đăng ký tham gia rồi cùng ngư dân thành lập hội bài chòi dân gian trên đảo Cù Lao Xanh- xã Nhơn Châu”.
Từ phải qua trái: Ông Trần Hữu Phước, bà Lê Thị Hoa đang hướng dẫn con trai cả Trần Huệ Thiện hát Bài chòi tại nhà. Ảnh: Báo Bình Định
Theo ông Phước, từ xưa, tại Bình Định hội bài chòi thường được tổ chức vào dịp lễ, tết. Trong cuộc chơi, “anh hiệu” là người hô những câu hát ứng với từng con bài, như: “Nhứt trò”, “Nhì bí”, “Tam quảng”... Bài chòi thu hút khách bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù của mình trong các làn điệu: Xuân nữ, hò quảng, xàng xê, cổ bản cùng các làn điệu dân ca như “Lý thương nhau”, “Vọng kim lang”, “Hò tát nước”… Do dễ nhớ, dễ thuộc nên câu hô bài chòi đã trở thành một môn nghệ thuật độc đáo dành cho người dân, đặc biệt là cư dân trên đảo.
“Để trở thành nhân vật anh hiệu trong bài chòi cần phải luyện tập rất công phu. Bản thân tôi từ nhỏ đã tuyệt đối không uống bia rượu, cà phê để giữ giọng. Là người chủ trì các hội bài chòi, anh hiệu phải nhớ và thuộc nhiều câu hát khác nhau, ứng với ý nghĩa của các thẻ bài”- ông Phước chia sẻ. Cùng niềm đam mê bài chòi, bà Lê Thị Hoa (vợ ông Phước) ngày đêm cùng chồng tập hô và diễn xuất nhuần nhuyễn môn nghệ thuật này. Hơn 2 năm qua, cứ vào những ngày cuối tuần, vợ chồng ông Phước lại đi thuyền vào đất liền phục vụ cho bà con.
Anh Trần Huệ Thiện (con trai ông Phước) tâm sự: “Để hát được bài chòi thì ít nhất phải thuộc 27 câu hát đi đôi với 27 lá bài. Đối với thanh niên thì hát bài chòi rất khó, đòi hỏi kỹ năng, sự va chạm với ngôn ngữ, giọng điệu và cả đam mê dành cho bài chòi”.
Theo ông Phước, môn nghệ thuật bài chòi trên đảo Cù Lao Xanh có nguy cơ bị mai một do thiếu kinh phí tổ chức. Không có sân chơi, vợ chồng ông Phước cùng những người yêu bài chòi trên đảo phải lặn lội vào đất liền để hát phục vụ bà con. “Ngoài giờ làm công tác hội, cuối tuần vợ chồng tôi đi vào đất liền hát phục vụ, mỗi người được 250.000 đồng/suất, tính chi phí thì chẳng dư ra bao nhiêu, nhưng vì tình yêu bài chòi nên không bỏ được” - ông Phước trải lòng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.