Vào cao điểm thu hoạch tiêu, thấp thỏm chờ giá “vàng đen” hồi phục

Trần Khánh Thứ ba, ngày 11/02/2020 07:06 AM (GMT+7)
Mùa thu hoạch tiêu đang vào cao điểm nhưng giá tiêu chưa hồi phục. Nhiều nông dân nơm nớp lo thêm một mùa tiêu “đắng” khi tình trạng thiếu công hái đang tái diễn, nhưng cũng không ít người cố nuôi hy vọng chờ giá “vàng đen” phục hồi...
Bình luận 0

Sau Tết Nguyên đán Canh Tý, nông dân trồng tiêu tỉnh Bình Phước bước vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, giá tiêu đang xuống thấp kỷ lục, trong khi tiền công thu hoạch tiêu tăng cao.

Mỏi mắt tìm nhân công

Ông Trần Hồng Hòa (ở huyện Đồng Phú) nhớ lại, mùa thu hoạch năm 2018, giá nhân công chỉ 150.000 đồng/người/ngày. Đến vụ 2019, ông phải trả cao hơn vụ trước từ 20.000-50.000 đồng/người/ngày để có công hái.

img

Vườn nào không hái được, để tiêu chín khô trên cây thì sản lượng và sức sinh trưởng bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở vụ sau.  Ảnh:  T.K

Năm 2019, giá tiêu dao động 50.000 đồng/kg, người dân đã than khó. Từ đầu năm 2020 tới nay, giá tiêu giá tiêu tiếp tục giảm, chỉ 38.000-40.000 đồng/kg. Trước tết, ông Hòa đã tìm lao động nhưng giá nhân công tăng lên 220.000-250.000 đồng/người/ngày. Hiện ông chỉ thuê được 3 nhân công hái tiêu.

Tại huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), ông Nguyễn Ngọc Hùng cũng cho biết, đã phải chạy đôn đáo kiếm người thu hái cho 1,5ha tiêu đang chín rộ. Đến nay, sau hơn cả tuần, gia đình ông vẫn chưa tìm thuê được người.

Những năm trước, hồ tiêu chín sớm, thường vào dịp trước tết. Nhiều người muốn kiếm thu nhập để lo cho cái tết  đầm ấm nên việc thuê người hái tiêu còn dễ. Năm nay, tiêu chín muộn. “Sau tết, nhiều lao động tìm ra thành phố hoặc đến những nơi có thu nhập cao hơn, việc thuê nhân công rất khó khăn” - ông Hùng giải thích.

Nhiều nông dân trồng tiêu khác cũng gặp cảnh tương tự như ông Hùng. Khi hồ tiêu còn được giá, mỗi vườn tiêu thường duy trì từ 5-10 nhân công để tập trung thu hái cho nhanh. Vài năm đây, nhiều vườn tiêu phải tận dụng lao động ít ỏi trong gia đình, khiến tiến độ thu hoạch kéo dài ra.

Nhiều người tìm cách trải bạt hoặc nylon phủ dưới gốc để thu gom tiêu chín rơi rụng. Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp ứng phó, khó tránh khỏi lẫn tạp chất hoặc hao hụt. Vườn nào may mắn tìm được nhân công thì cũng khó đảm bảo hòa vốn vì chờ mãi chưa thấy giá tiêu “ngóc đầu dậy” mà giá nhân công, chi phí phân, thuốc ngày càng tăng.

Giải thích tâm trạng lo âu của người trồng, ông Nguyễn Văn Động - Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) huyện Châu Đức cho biết, việc thu hoạch không kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sản lượng tiêu năm tới. Cây nuôi trái lâu nên mất sức, sinh trưởng kém và dễ chết. Vườn nào không hái được, để tiêu chín khô trên cây thì năm sau sản lượng có thể giảm hơn 50%, lượng tiêu chết 30%.

Níu giữ cây hồ tiêu

Xã Xuân Thọ là vùng trồng tiêu lớn nhất của huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Từ 2 năm nay, giá tiêu giảm, nhiều người bỏ không chăm sóc vườn, diện tích hồ tiêu giảm dần. Thậm chí tiêu bệnh, nông dân cũng bỏ mặc hoặc đốn hạ, chuyển sang trồng dặm cây ăn trái.

Ông Nguyễn Văn Động - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Châu Đức cho rằng, việc bỏ tiêu sang trồng các loại cây khác cũng không nên làm ồ ạt, để tránh tình trạng được mùa mất giá. Hồ tiêu vẫn là một trong những cây trồng chủ lực. Với những hộ dân có diện tích lớn, trồng lâu năm, địa phương vẫn khuyến khích giữ cây hồ tiêu.

Ngược lại, cũng không ít người còn giữ niềm tin với hồ tiêu. Nông dân Nguyễn Quang Khôi kể, dù liên tiếp lỗ vốn, anh vẫn tiếp tục đầu tư cho vườn với hy vọng sắp tới giá tiêu sẽ lại khởi sắc, dù không bằng như thời vàng son.

“Trừ khi tiêu chết mới bỏ chứ tiêu còn xanh lá thì tôi còn chăm sóc cho các vụ sau. Trồng tiêu mất 4 năm mới cho thu hoạch. Đến khi giá lên mà không có tiêu bán thì tiếc lắm”- anh Khôi nói.

Ông Phạm Đình Nam - Chủ tịch Hội ND xã Xuân Thọ cho biết, trước đây người dân canh tác hàng loạt, bất kể đất trồng không phù hợp. Hiện nay, diện tích nhiều vườn tiêu có giảm nhưng tổng diện tích hồ tiêu trong tỉnh và cả nước vẫn còn lớn. Hội ND xã khuyến cáo người dân phải chủ động giảm diện tích trồng không phù hợp, vừa để tiết kiệm công lao động.

Phần diện tích còn lại thì tập trung vào hướng sản xuất hữu cơ để khi giá tiêu lên có thể chủ động làm sản phẩm sạch.

Ở góc độ doanh nghiệp thu mua hồ tiêu xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cho rằng, nếu nông dân giữ được quy trình sản xuất hữu cơ, cho ra sản phẩm sạch, thì tương lai hồ tiêu không đến mức quá ảm đạm.

“Thời điểm này, nông dân nên xen canh tiêu với các loại cây trồng khác, vừa bảo đảm được thu nhập vừa giữ được vườn tiêu” - ông Luân khuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem