Tại ngã ba núi ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), khi sương núi tan dần thì trang trại chăn nuôi hiện ra dưới thung lũng, bao gồm một khu nhà ở, một vườn mít, một trang trại nằm bên cạnh một bầu chứa khí gas 30 m3, trông như quả bóng màu đen nhú lên từ lòng đất.
Hệ thống thông gió, điều hòa, phun sương thông minh để duy trì nhiệt độ
Trang trại được xây dựng từ năm 2016 và là mô hình điểm của toàn lực lượng bộ đội biên phòng. Khoảng 1.000 con lợn được nuôi trong đó, nhưng là mô hình chuồng trại khép kín nên gần như không nghe tiếng kêu, không ngửi thấy mùi trong không khí.
Anh em chiến sĩ thường nói vui, đây là "doanh trại bác Trư". Gọi là doanh trại, bởi cũng là nuôi lợn công nghiệp, nhưng vì là nhà binh nên việc chăn nuôi được duy trì theo cách thức mới mẻ, giờ giấc và kỷ luật nghiêm hơn.
Khách đến tham quan thì phần lớn chỉ được đứng ở ngoài, dù thiếu tá hay đại tá thì cũng đều phải chấp hành quy định vô trùng. Nếu ai được vào tham quan thì phải thay quần áo blue trắng rồi qua một căn phòng, chân dẫm ngập dưới nền nhà có nước sát khuẩn, đi qua hệ thống vòi xịt phun sương, thổi khắp người.
Một chiến sĩ cho biết, chế độ ở đây nghiêm lắm, không thua gì thời rèn tân binh. Ví dụ như chiến sĩ nào mà về tranh thủ thăm gia đình, khi trở lại thì phải 3 – 5 ngày mới được vào thăm các bác Trư, vì sợ mang theo vi khuẩn lạ. Nếu ai bị cảm, ho, sổ mũi thì tuyệt đối không được vào. Do nuôi tốt như vậy nên lợn tránh được sử dụng thuốc kháng sinh, lợn sạch.
Thiếu tá, nhà thơ Nguyễn Trí Tuệ là người đang phụ trách doanh trại bác Trư. Anh Tuệ sinh năm 1974, tuổi Dần và nói rằng, tuổi mình khá hợp với tay chăn nuôi. Anh kể về các chế độ chăm sóc các lão trư theo kiểu hơi giống nhà binh, vì vậy lợn mau ăn, chóng lớn, thịt sạch, hiếm bị dịch bệnh.
Để đạt được “chuẩn” nói trên, khi lợn mới chuyển về chuồng đều được “rèn” nếp sinh hoạt mới. Đó là tập cách đi vệ sinh đúng chỗ. Bầy lợn đi vào trật tự, nên hạn chế tối đa được việc rửa chuồng. Đây là tiêu chuẩn đạt điểm 10 trong chăn nuôi công nghiệp.
Nền chuồng trại luôn khô ráo là điểm 10 của chăn nuôi công nghiệp
Lợn được ăn trong máng tự động nên phải xếp hàng, bữa ăn kéo dài mất nhiều thời gian. Đối với người lính, do quen với 10 chế độ trong ngày nên cũng tìm cách thiết lập 4 chế độ trong ngày cho lợn. Chuồng lợn được bố trí thêm 6 mâm cám để bữa ăn được rút ngắn và những bác Trư có giấc ngủ trưa, sau đó thức giấc vào lúc 13 giờ 30 phút để nô đùa.
Toàn bộ chất thải được xử lý bằng thuốc vi sinh E.M nên đảm bảo vệ sinh. Khí gas được nối đường ống qua Trung tâm Giáo dục xã hội Bầu Bàng, tạo thêm nguồn chất đốt để tiết kiệm chi phí trong hoạt động cải tạo đối tượng cai nghiện bắt buộc của TP Đà Nẵng.
Chiến sĩ Nguyễn Quang Hưng cho biết: “Nhiều bạn thanh niên lớn lên ở thành phố, không quen lao động chân tay, nên đây là một cơ hội để rèn luyện thêm và học hỏi được rất nhiều kiến thức. Đó là một kỷ niệm khó quên của đời lính, nhiều anh em lên đây luôn cảm thấy vui, gắn bó, nên xin ở lại thêm thời gian”.
Trang trại vừa xuất bán 125 tấn lợn hơi, thu về được gần 500 triệu đồng và mới thả lợn giống trở lại. Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, việc chăn nuôi là một nỗ lực của đơn vị, giúp cho các cháu hiểu thêm giá trị cuộc sống, rèn luyện, trải nghiệm, thực hiện tốt mục tiêu của quân đội “là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”. |
Lê Văn Chương (NNVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.