Tiền triệu mua hàng Trung Quốc giả Mỹ
“Ông trùm” làm thực phẩm chức năng giả Nguyễn Duy Bảo - Giám đốc Công ty Bảo Khang ở quận Gò Vấp, TPHCM vừa bị bắt tối 25/6 khiến người dân sững sờ. Ước tính từ hai năm qua, hàng nghìn thùng thực phẩm giảm béo dỏm của công ty này đã được người dân tiêu thụ. Express Slimming, Best Weight Gain, Evanice, Reduce Weight hay Weight Gain Plus... đều là thực phẩm chức năng giảm béo có xuất xứ từ Mỹ đã bị “ông trùm” này làm giả.
Các nhãn hiệu thực phẩm nhái trên được nhân viên tên Đức của công ty này cho biết, tiêu thụ mạnh nhất ở các tỉnh miền Tây và miền Trung. “Mỗi tháng, mặt hàng thực phẩm chức năng này được bán ra khoảng 2 nghìn hộp, chủ yếu là về vùng nông thôn”- Đức tiết lộ và cho biết, do hàng “xịn” giá rẻ hơn một nửa so với hàng chính hãng nên “bán chạy” như tôm tươi.
Để bành trướng về hàng giả, tháng 12/2014, ông chủ của Bảo Khang mở thêm chi nhánh công ty ở TP Cần Thơ. Đây là nơi tập kết số hàng giả mà Bảo cho nhân viên chuyển từ TPHCM về để phân phối đi các tỉnh. Ít ai biết, những thực phẩm chức năng “xịn” này được Bảo nhập về từ Trung Quốc thông qua một đầu nậu người nước này tên là Jerry.
Ngoài chụp hình các mẫu sản phẩm xịn từ Mỹ gửi qua cho Jerry làm giả, sau đó chuyển hàng về TPHCM tiêu thụ, Bảo còn nhập nguyên liệu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về pha thêm bột mì và hương liệu, sau đó đặt viên nhộng, in nhãn, vỏ hộp rồi “hô biến” thành thực phẩm chức năng giảm béo của Mỹ.
Ông Bảo - Giám đốc Công ty Bảo Khang (trái) đã bị bắt. Tháng 8/2014, nhiều thực phẩm giảm cân của Bảo Khang đã bị đình chỉ lưu hành nhưng công ty vẫn tuôn về các vùng quê. Ảnh: L.N.
Trước khi sự việc vỡ lở, Bảo Khang còn tổ chức hàng loạt buổi tư vấn giảm béo cho chị em ở các vùng quê của tỉnh Long An, Tiền Giang và Bạc Liêu để bán sản phẩm. Express Slimming- loại thực phẩm chức năng giảm cân được nhân viên của công ty này “nổ” với nhiều cô gái nhẹ dạ là “thuốc giảm cân” chiết xuất từ trái thanh long, tiêu thụ khá mạnh.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, 37 tuổi ở huyện Cần Giuộc, Long An với cân nặng 72 kg đã không ngần ngại bỏ ra 3 triệu đồng mua 2 hộp sau khi nghe tư vấn về “thuốc giảm cân” Express Slimming. Chị Nhàn cũng như hàng trăm cô gái khác không biết được từ tháng 8/2014, sản phẩm này bị Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế thu hồi do không phù hợp với tiêu chuẩn sản phẩm đã công bố và thổi phồng lên như “thần dược”.
“Nhân viên bán sản phẩm này nói rằng, uống một hộp sẽ giảm từ 10kg nên tôi gom tiền để mua. Uống hết một hộp Express Slimming, tôi vẫn nặng 72kg nên gọi điện cho nhân viên bán hàng để hỏi thực hư thì máy ò í e”- chị Nhàn nói.
Thực tế, Express Slimming và giảm cân Slimmore đều chứa bột mì, không có thành phần giúp giảm béo. Thế nhưng, từ hai năm qua, nhân viên của công ty Bảo Khang đều ví nó là “thần dược”. Trên các tờ rơi, “tạp chí” nội bộ và quảng cáo tất cả đều được khoác lên mình là thuốc chữa bệnh và giảm cân siêu tốc.
“Do đâu thực phẩm chức năng giảm cân Express Slimming mang lại hiệu quả tốt nhất? Đã có nhiều nghiên cứu từ các nhà khoa học nổi tiếng cho thấy, trái thanh long có tác dụng giải độc, bổ phế, làm giảm choresterol của thức ăn… giúp cơ thể giảm cân siêu tốc, an toàn qua hệ bài tiết và tiêu hóa”- quảng cáo Bảo Khang đều “nổ” như thế nên không ít người đã sập bẫy.
Làm từ bột mì và sữa kèm hương liệu, nhiều loại thực phẩm chức năng mang nhãn Costar, 100% Royal Jelly 1.450mg và Placentra, Vip reserve, Essen e baby sheep... được Công ty VQTech ở Hà Nội biến hóa thành thực phẩm chức năng chế biến từ sữa ong chúa và nhau thai cừu giúp trẻ hóa làn da để bán khắp các tỉnh thành. TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nói rằng, công ty này được “cấp phép một đằng nhưng sản xuất một nẻo”.
Thay vì sản xuất theo giấy phép, bà Trần Như Quỳnh, Giám đốc VQTech đã thuê người gia công thực phẩm chức năng giả tại các cơ sở sản xuất, sau đó đặt in tem nhãn rồi cho nhân viên dán, đóng thành phẩm đưa đi tiêu thụ.
Làm từ bột mì và hương liệu, các thực phẩm chức năng này vẫn nổ là “thần dược”.
“Họ lừa trắng trợn”
Đã 4 tháng trôi qua, bà con nông dân ở các vùng quê thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế vẫn chưa nguôi cảm giác ấm ức vì bị lừa. Bà Nguyễn Thị Huệ, 56 tuổi, ở thôn Thanh Cần, xã Quảng Vinh nói rằng, khoảng tháng 2, một nhóm người được cho là của Công ty Kinh doanh thực phẩm chức năng Bửu Lực ở Hà Nội về đây và mời hết bà con trong thôn tụ tập ở hội trường của làng để tư vấn về bệnh tật. “Ai cũng đi vì người nào cũng có bệnh”- bà Huệ nói.
Sau khi một nhân viên của công ty nói về hiểm họa chết chóc của bệnh thấp khớp, bệnh gan nhiễm mỡ và thiếu máu não, hai nhân viên khác bắt đầu phát miễn phí cho mỗi người hai viên thực phẩm chức năng mà họ gọi là thuốc trị bá bệnh, giúp hết đau khớp tức thì.
Bà Nguyễn Thị Huệ, ôm cái chân sưng vù do thực phẩm chức năng “đểu” chứa corticoid. Ảnh: L.N.
“Tôi bị bệnh thoái hóa khớp hay đau nhức chân tay nên uống vào thì ngày sau thấy đỡ đau nhiều”- bà Huệ nói. Sau khi đoàn của công ty này kéo qua xã khác tư vấn, hai nhân viên của công ty vẫn ở lại tại hội trường và bán thực phẩm chức năng những ngày sau đó.
“Thấy hết đau, tôi và hàng chục người khác ghé lại hội trường mua thực phẩm chức năng Dược Ương Hoa với giá 2 triệu đồng/hộp”- bà Huệ kể và nói thêm: “Họ cho bà con số di động liên lạc và nói sẽ mở đại lý phân phối ở thị trấn Sịa của huyện nên ai cũng tin”. Vậy nhưng, theo bà Huệ, một tháng sau uống “thần dược” này, bệnh lại hoàn bệnh. Chân, mặt bà Huệ cứ sưng vù lên. “Khám tại Bệnh viện Trung ương Huế, họ bảo tôi uống thuốc có chứa chất corticoid gì đó rất nguy hiểm”- bà Huệ kể.
Ông Trần Đình Ngọc, ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền thấy nhân viên từ công ty này “nổ” hay nên cũng mua 2 hộp giá 4 triệu đồng. Mới uống một hộp thì tăng lên 4kg, mặt và chân tay đều phì ra. Cứ tưởng “hợp thuốc”, ông Ngọc uống tiếp hộp thứ 2 thì các khớp gối sưng to và đau nhức nên đi khám thì biết thực phẩm chức năng này là thủ phạm gây họa. “Tôi gọi điện cho nhân viên công ty thì không liên lạc được. Hàng chục người khác ở xã cũng bị như tôi”- ông Ngọc kể.
Không được Sở Y tế Thanh Hóa cấp phép tư vấn khám bệnh, kê đơn và bán thuốc nhưng Công ty thực phẩm chức năng và vật tư y tế Việt Nam ở Hà Nội lặn lội vào tận xã Thăng Long ở huyện Nông Cống để “tư vấn” cho dân. Cơ quan y tế của xã và huyện này còn “tiếp sức” cho công ty khi đã có công văn gửi cho bà con nông dân đến để được tư vấn. Từ “lá bùa” này, công ty thực phẩm chức năng và vật tư y tế Việt Nam sau khi “khám bệnh” cho dân xong đã kê toa và bán thực phẩm Renlap, tảo xoắn Linh Chi, viên nang ích não Vạn Xuân và san hô Hawai với giá 500 ngàn - 2 triệu đồng/hộp.
Bà Mai Thị Viêng ở xã Thăng Long kể bà đã “không cưỡng được” trước sự nhiệt tình của nhóm “bác sĩ” tư vấn, khám bệnh của công ty này. Sau khi được “chẩn đoán” bị bệnh cao huyết áp, xương khớp, người của công ty này bán cho bà thuốc Spirulina nhưng thực chất đây là một loại thực phẩm chức năng dạng tảo biển với giá 200 nghìn đồng/hộp.
(Còn nữa)
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, vừa thu hồi giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hàng loạt thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam. Theo đó, thực phẩm chức năng True Lady Kingphar, Kingphar Baby và Viên xương khớp Kingphar không phù hợp với tiêu chuẩn sản phẩm đã công bố. “Các sản phẩm này được cấp phép một đằng nhưng sản xuất một nẻo và bị Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện”- TS Phong cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.