Vào tổ hội, nông dân yên tâm sản xuất và làm giàu

Thu Hà Thứ ba, ngày 04/08/2020 18:10 PM (GMT+7)
Tham gia Tổ hội nông dân sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn, nhiều hội viên nông dân xã Tân Việt, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã cùng nhau mua chung vật tư, hỗ trợ nhau tiêu thụ... Nhờ đó các hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Hưởng nhiều "ưu ái"

Tổ hội sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt được Hội ND thành lập năm 2019, với 20 thành viên tham gia, tổng quy mô chăn nuôi 14 vạn gà.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Ngay sau khi thành lập tổ hội, Hội ND tỉnh đã phối hợp Hội ND huyện Thanh Hà tổ chức 2 lớp tập huấn quy trình nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn cho 120 lượt đại biểu là thành viên mô hình và cán bộ, hội viên, nông dân cơ sở. Để động viên, thu hút hội viên tham gia thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp 15 triệu đồng, tương ứng hỗ trợ kinh phí 750.000 đồng/hộ. Đồng thời, Hội hỗ trợ 100% kinh phí làm biển tên mô hình, tổ chức hội nghị tổng kết mô hình và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển mô hình trong năm 2020.

Vào tổ hội, yên tâm sản xuất và làm giàu - Ảnh 1.

Tham gia mô hình Tổ hội sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn, nhiều nông dân xã Tân Việt có thu nhập cao. Ảnh: Thu Hà

"Nhiều chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã thực hiện được khâu điều hành, tổ chức sản xuất các sản phẩm có độ đồng đều, an toàn, chất lượng tốt, thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp; đồng thời chi, tổ hội trưởng trực tiếp tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho hội viên".

Bà Phạm Thị Thanh Tâm –

Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương.

Gia đình chị Nguyễn Thị Chuyên (ở thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt) có trang trại rộng gần 2 mẫu với 6 khu chuồng chăn nuôi gà và 2 ao cá. Đây là trang trại nuôi nhiều gà nhất xã Tân hiện nay. Mỗi năm chị nuôi 2,5-3 lứa gà gối nhau, mỗi lứa nuôi khoảng 3 vạn con, thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Với nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi chị Nguyễn Thị Chuyên được các thành viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hội sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt.

Trao đổi về hoạt động của Tổ hội, chị Chuyên cho biết: "Các hộ trong Tổ hội đã chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi nên môi trường không ô nhiễm, gà nuôi nhanh lớn, ít bệnh.

Ngoài ra, các hộ còn cùng liên kết mua thức ăn, thuốc thú y và giống gà ri Hoà Phát (Phú Thọ) - loại gà này được thị trường ưa thích vì khi bán có cân nặng vừa phải, thịt thơm; do đó giá thành sản xuất 1kg gà thương phẩm thấp hơn so với các hộ ngoài mô hình là 1.500 đồng/kg. Bình quân 1 hộ nuôi 1.000 gà sau 4 tháng nuôi có lợi nhuận đạt 36 - 40 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn so với các hộ ngoài mô hình là 3 triệu đồng".

Anh Nguyễn Bá Phong – Chủ tịch Hội ND xã Tân Việt cho biết: Nhờ những kết quả tích cực đạt được, nên sau 5 tháng hoạt động, Tổ hội phát triển thành HTX sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt với 7 thành viên trong Tổ hội tham gia. Vừa qua, xã Tân Việt chọn gà thương phẩm để tham gia Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh.

"Nếu làm được sản phẩm OCOP theo đúng hướng dẫn sẽ giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi. Thời gian tới, Hội ND sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn tích cực tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân; hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập huấn cho người chăn nuôi về OCOP; hướng dẫn người chăn nuôi làm hồ sơ, quy trình OCOP" - anh Phong nhấn mạnh.

Hơn 120 mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp hiệu quả

Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Thực hiện Đề án số 24 của Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, đến nay Hội ND tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 54 mô hình chi hội nghề nghiệp và 68 mô hình tổ hội nghề nghiệp với hơn 3.600 thành viên.

"Năm 2020, Hội ND tỉnh Hải Dương trực tiếp chỉ đạo xây dựng 5 mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn với 109 hộ tham gia, quy mô trung bình 5-6ha/mô hình. Đó là mô hình trồng cam an toàn tại Chi Lăng Nam (Thanh Miện), bưởi an toàn tại Vĩnh Hoà (Ninh Giang), ổi an toàn tại Thanh Xuân (Thanh Hà), táo an toàn, cà chua an toàn tại xã Nhân Huệ (TP.Chí Linh). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần kinh phí tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, mua giống, phân bón, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc" - bà Tâm thông tin.

Để mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, các cấp Hội ND các cấp Hải Dương đã thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hội viên nông dân, nhất là hội viên tại các mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm liên kết.

3 năm qua, các cấp Hội ND Hải Dương đã phối hợp tổ chức được 700 buổi tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; 62 buổi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, trang bị kiến thức về sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thị trường… cho các thành viên của chi hội, tổ hội nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Hội ND các cấp cũng đã tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên hỗ trợ chi, tổ hội nghề nghiệp. Trong 3 năm, Hội ND tỉnh Hải Dương đã giải ngân 7,08 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân 4 cấp cho 4 chi hội, 12 tổ hội nghề nghiệp. Trong đó, giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân T.Ư 2 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 4,8 tỷ đồng, huyện 210 triệu đồng; xã 74,9 triệu đồng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem