VCK U23 châu Á 2020 là lần đầu tiên, LĐBĐ châu Á (AFC) đưa công nghệ VAR vào toàn bộ các trận đấu của giải đấu này. Trong thành phần của U23 Việt Nam dự giải đấu tại Thái Lan, chỉ có Nguyễn Quang Hải là từng trải nghiệm công nghệ có tên đầy đủ là “trợ lý trọng tài video” này. Đó là khi tiền vệ của Hà Nội FC cùng ĐT Việt Nam tham dự Asian Cup 2019 tại UAE.
Thực tế, có ít nhất 2 trận đấu tại vòng bảng của U23 Việt Nam mà VAR được nhắc tên. Đầu tiên là trận hòa 0-0 với U23 UAE. Trận này, tổ VAR do trọng tài Fu Ming phụ trách đã ít nhất ba tình huống liên lạc hoặc có tác động tới quyết định của trọng tài chính Muhamah Taqi. Hai trong số đó không làm thay đổi quyết định của "Vua sân cỏ" người Singapore trên sân.
Trọng tài từ chối cho U23 Việt Nam hưởng quả penalty trong trận đấu với U23 UAE.
Lần đầu tiên xác định pha phạm lỗi của Tấn Sinh có dẫn đến quả penalty hay không. Lần thứ hai, pha dứt điểm của Hoàng Đức chạm tay hậu vệ UAE có đủ điều kiện hưởng một quả phạt đền. Lần cuối, trọng tài cần xác định tình huống Majid Mobarak phạm lỗi có đáng nhận thẻ đỏ. Ở cả ba tình huống đó, trọng tài người Singapore dù thay đổi quyết định hay không, đều không dùng đến màn hình xem lại dành riêng cho ông như cách một số trọng tài khác đã làm.
Ở tình huống trọng tài chính Muhamah Taqi chỉ cho U23 UAE hưởng 1 quả đá phạt ngay bên ngoài vạch 16m50 thay vì 1 quả penalty, theo lý giải của cựu trọng tài FIFA Võ Minh Trí, trường hợp này hoàn toàn hợp lý khi mà tổ trọng tài VAR có thể tự đưa ra nhận định và tư vấn cho trọng tài chính thông qua bộ đàm.
“Sở dĩ trọng tài Muhammad Taqi Jahari ra kí hiệu tham khảo VAR ở tình huống U23 Việt Nam bị thổi phạt 11m, thế nhưng không cần xem lại video quay chậm vẫn thay đổi quyết định là bởi tổ trọng tài VAR đã xác định rõ ràng lỗi bên ngoài vòng 16m50 và thông báo cho trọng tài chính.
Thường thì những lỗi mà tổ trọng tài VAR có góc máy quan sát thuận lợi, xác định được thẻ đỏ hay không, phạt đền hay không… thì không cần trọng tài chính xem lại. Trong trường hợp là những lỗi nhận định, không rõ ràng thì tổ trọng tài VAR sẽ phải thông qua trọng tài chính để xem lại tình huống thông qua các góc máy và đưa ra quyết định cuối cùng”, cựu trọng tài FIFA Võ Minh Trí giải thích.
Còn ở tình huống Hoàng Đức sút bóng trúng vào phần tay của một cầu thủ U23 UAE trong vòng 16m50, trọng tài chính Muhamah Taqi một lần nữa cũng xử lý đúng theo luật FIFA. Cụ thể, luật FIFA có ghi rõ, ở trường hợp thứ nhất, nếu như cầu thủ để bóng chạm tay trong tư thế bị động (không cố ý, khi đang ngã xuống sân), nghĩa là không kiểm soát được hành vi của mình vì nhiều lý do khác nhau thì sẽ không bị phạt.
Trong trường hợp thứ 2, nếu cầu thủ để tay sát người, kịp thu tay về (bóng tìm tới tay chứ không phải tay vươn ra cản bóng) thì trọng tài cũng không thể thổi phạt đền. Trường hợp thứ 3, bóng chạm tay sau khi chạm một bộ phận khác trên cơ thể cũng không tính là tình huống phạm lỗi.
Như vậy, tình huống diễn ra ở phút thứ 63 đúng với trường hợp thứ 2. Vị trí dứt điểm của Hoàng Đức cũng ở quá gần vị trí cầu thủ UAE để chạm tay, sẽ chẳng có trọng tài nào thổi phạt đền. Chính cầu thủ này cũng chủ động thu tay về nên trọng tài Taqi không cần đến sự trợ giúp của VAR để đưa ra quyết định chính xác. U23 Việt Nam không có cơ hội đá 11 mét.
Tình huống Majid Mobarak phạm lỗi cuối trận, rõ ràng hậu vệ này đã cố gắng co chân lại, và vì thế, trọng tài Taqi chỉ rút ra 1 thẻ vàng, thay vì 1 thẻ đỏ.
Tới trận U23 Việt Nam thua ngược U23 CHDCND Triều Tiên 1-2, VAR một lần nữa được nhắc tên. Phút 39, trong tình huống xuống bóng rất thoáng bên cánh phải, Hồ Tuấn Tài thực hiện pha căng ngang vào trong vòng 16m50. Hậu vệ Choe Ok Chol của U23 CHDCND Triều Tiên băng về rất nhanh và nhoài người ngăn cản đường bóng.
Khi ấy, bóng chạm vào khu vực mạng sườn của Choe Ok Chol rồi nảy lên trúng cánh tay cầu thủ này trước khi đi hết được biên ngang. Hồ Tấn Tài lập tức ra hiệu đòi 1 quả penalty từ trọng tài chính Mohanad Qasim. Thế nhưng vị “vua áo đen” người Iraq xua tay, chỉ cho U23 Việt Nam hưởng 1 quả phạt góc. Ông thậm chí còn không buồn xem lại tình huống qua VAR.
Trao đổi với báo chí, một trọng tài có tiếng của Việt Nam khẳng định, ông Mohanad Qasim đã đưa ra quyết định đúng. Theo vị trọng tài này, luật mới của FIFA quy định, nếu một đường bóng khiến bóng bật vào cơ thể rồi chạm vào tay theo quán tính thì không thể xem đó là một quả phạt đền (ứng với trường hợp 3 theo luật FIFA về thổi penalty khi bóng trúng tay trong vòng 16m50).
“Quyết định của trọng tài là đúng. U23 Việt Nam chưa thể được hưởng phạt đền. Theo luật bổ sung năm 2019 và 2020 thì nếu một đường bóng khiến bóng bật vào cơ thể rồi chạm vào tay theo quán tính thì không thể xem đó là một quả phạt đền. Cầu thủ ấy không chủ động dùng tay để làm cơ thể hay tay của mình ngăn đường bóng”, vị trọng tài người Việt Nam cho hay.
Rõ ràng, trong cả 4 tình huống liên quan đến VAR ở các trận đấu có U23 Việt Nam tại vòng bảng VCK U23 châu Á 2020, công nghệ này và cả trọng tài chính đều đã làm đúng theo luật. Không hề có sự thiên vị nào khiến thầy trò Park Hang-seo bị loại sớm và các cầu thủ chỉ nên tự trách mình vì đã không tận dụng tốt các cơ hội, đồng thời để mắc phải những sai lầm đáng tiếc.
VAR là gì
Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên, chúng ta phải hiểu VAR là gì. Đó là viết tắt của video assistant referee (trợ lý trọng tài video).
Theo quy định của FIFA, VAR chỉ được quyền can thiệp ở bốn tình huống: bàn thắng hoặc pha phạm lỗi dẫn đến bàn thắng, penalty hoặc pha phạm lỗi dẫn đến penalty, tình huống dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp hay không và xác định chính xác cầu thủ chịu phạt.
Cũng theo quy định, người ra quyết định cuối cùng là trọng tài chính điều khiển trận đấu. Tổ VAR chỉ có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất các phương án xử phạt (nếu có) thông qua bộ đàm.
Tháng 3/2018, VAR được đưa vào hệ thống luật bóng đá sau nhiều năm lên ý tưởng và thử nghiệm ở nhiều giải đấu chuyên nghiệp. World Cup 2018 là giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên sử dụng VAR ở tất cả trận đấu.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.