Vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, chuyên gia nói “đừng kỳ vọng nhiều”

Quốc Hải Thứ tư, ngày 02/08/2023 14:02 PM (GMT+7)
Từ ngày 1/9, khách hàng cá nhân có thể được vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác theo quy định của thông tư 06 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cũng không phải dễ thực hiện với quy định này.
Bình luận 0

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 06, các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Đặc biệt, quy định này không chỉ giới hạn cho khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn cho cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó có cả vay mua nhà, mua xe.

Quy định mới này khiến nhiều người đang vay mua nhà rất quan tâm vì hiện vẫn nhiều người đang "è cổ" với các khoản vay mua nhà lãi cao, có trường hợp lên đến 14-15%/năm.

Vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, chuyên gia nói “đừng kỳ vọng nhiều” - Ảnh 1.

Một số chuyên gia cho rằng sẽ khó để triển khai việc cho khách hàng vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Ảnh: TL

Người dân kỳ vọng

Đang "è cổ" trả góp tiền vay mua nhà từng tháng cho ngân hàng với lãi suất lên tới 13,5%, chị Ngọc Hân (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, hồi cuối năm 2020, gia đình chị vay 1,2 tỷ đồng ngân hàng để mua căn hộ trên địa bàn. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, do khoản vay đã hết thời gian ưu đãi nên gia đình chị phải gánh mức lãi suất cho vay lên tới 13,5%/năm.

"Theo tư vấn của một số chị em đồng nghiệp, hiện nay nếu chuyển sang vay ở một số ngân hàng quốc doanh chỉ phải chịu lãi suất từ 8,5 - 9%/năm, nên tôi đang chờ quyết định có hiệu lực để chuyển sang vay ở các ngân hàng này và tất toán khoản vay cũ, đỡ nặng tài chính hơn", chị Hân kỳ vọng.

Tương tự, anh Công Hiếu (quận 6, TP.HCM) cũng cho biết, hiện tại khoản vay mua nhà của anh đang chịu mức lãi suất là tới 14%/năm.

"Tôi đã tìm hiểu ở một số ngân hàng, mức lãi suất chỉ 10%-12%, dễ thở hơn so với mức lãi suất tới 14% mà gia đình đang phải trả vài tháng gần đây. Vì vậy, nếu sắp tới được phép vay ngân hàng khác để trả như thông tư 06, tôi sẽ chuyển sang vay của ngân hàng có lãi suất thấp hơn", anh Hiếu nói.

Theo các chuyên gia tài chính, bản chất của quy định này là mua bán nợ nên có thể tới đây sẽ có sự chuyển dịch khách hàng từ các ngân hàng thương mại cổ phần sang các ngân hàng có vốn nhà nước, do lãi suất đầu ra ở các nhà băng quốc doanh cạnh tranh hơn.

Chưa kể, quy định này còn tác động tích cực, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng với nhau. Các ngân hàng phải cân đối làm sao để giữ được khách hàng của mình thông qua việc đưa ra một lãi suất phù hợp. Khi đó, nếu tổ chức tín dụng nào cạnh tranh tốt, các điều kiện tín dụng thuận lợi thì có thể người vay vốn sẽ tới đó nhiều hơn.

Vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, chuyên gia nói “đừng kỳ vọng nhiều” - Ảnh 2.

Khách hàng tìm hiểu một dự án tại vùng ven TP.HCM. Ảnh: Quốc Hải

Nói về quy định mới này, chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, thực tế thì không phải vấn đề nào cũng không có rủi ro, tuy nhiên trong trường hợp này yếu tố rủi ro không đáng kể và các ngân hàng sẽ kiểm soát được.

"Tôi nghĩ quy định cho vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác là tốt, nên làm. Lý do là vì đã là ngân hàng thì họ sẽ có các quy trình chuẩn, những quy định, cơ chế kiểm soát tốt để cho vay chứ không phải cho vay tùy tiện. Nhất là trong thời gian gần đây, những tiêu chí như áp dụng Basel, quy trình kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn… khi đó khách hàng được vay thì phải đáp ứng được các tiêu chí, các yêu cầu đặt ra với các khoản vay này", ông Phương nói.

Chuyên gia nói quy định tốt nhưng… "không dễ"

Cũng theo ông Trương Hiền Phương, trước đây, có thể còn đổ cho các ngân hàng còn có chủ quan trong hoạt động cho vay. Tuy nhiên, sau rất nhiều các vụ đại án về kinh tế thì các ngân hàng hiện quản trị rủi ro rất tốt.

"Ví dụ như ngân hàng B cho vay để khách hàng thanh toán cho ngân hàng A thì khách hàng này phải có uy tín, có lịch sử trả nợ tốt…, ngân hàng B mới cho vay. Tóm lại, rủi ro với quy định này không đáng kể và kiểm soát được. Tiếp theo, tôi cho rằng quy định này là một hướng để giúp cho khách hàng có khả năng thanh toán những khoản nợ vay có khả năng chuyển nhóm nợ xấu, khôi phục lại uy tín, điểm tín dụng của họ. Tôi nghĩ đây là một giải pháp cởi mở, hỗ trợ cho khách hàng có nhu cầu vay vốn và rất ổn chứ không đáng lo ngại", ông Phương nhận định.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm lạc quan của chuyên gia này, một số lãnh đạo ngân hàng lại tỏ ra lo ngại tính "thực tiễn" của quy định khách hàng được vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác.

Phó giám đốc một NHTM cổ phần tại TP.HCM chia sẻ, thực tế, muốn áp dụng được quy định này thì khách hàng phải hoàn tất thủ tục vay của ngân hàng mới, rồi tất toán khoản vay với ngân hàng đang cho vay. Như vậy, ít nhất thì khách hàng phải có tài sản khác để thế chấp, tức là phải có tối thiểu hai tài sản mới có thể làm được việc này.

"Nếu có 2 tài sản để thế chấp thì họ cũng chẳng phải làm thủ tục rườm rà như vậy. Trong thực tế, thường thì nếu có tài sản và có nhu cầu vay thì họ đã thế chấp rồi chứ chẳng chờ ra quy định này. Thế nên khách hàng cũng đừng kỳ vọng nhiều", người này nói.

Một vấn đề khác, theo vị này, hiện nay cũng có nhiều ngân hàng vướng quy định về room tín dụng, không dễ dàng để cho vay mua nhà, nên phía ngân hàng có thể sẽ lựa chọn khách hàng để cho vay chặt chẽ hơn, việc xét duyệt cho vay có thể gắt gao và thận trọng hơn.

"Không loại trừ cả trường hợp các ngân hàng sẽ nâng mức phí phạt trả nợ trước hạn để hạn chế khách hàng chuyển sang ngân hàng khác để vay vốn", vị lãnh đạo ngân hàng này nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem