Trò đùa của số phận
Cách đây 4 năm, trên đường chạy ở Palembang (Indonesia) tại SEA Games 26, Nguyễn Thị Phương đã khiến hàng triệu người hâm mộ Việt Nam xúc động khi đầy nỗ lực rướn về đích.
Khi đó, Phương đã kiệt sức, lỡ cơ hội giành Huy chương Vàng (HCV) tưởng chừng đã cầm chắc trong tay, nhưng cô không bỏ cuộc mà cố gắng vượt qua thử thách bằng ý chí. Rini Budiarti (Indonesia) về nhất và đoạt HCV, nhưng pha chạm tay ở vạch đích để giành HCB của Phương mới là hình ảnh xúc động nhất ở cuộc đua này.
Không gặp nhiều may mắn, nhưng Nguyễn Thị Phương chưa bao giờ từ bỏ niềm đam mê với điền kinh. Ảnh: L.N
Không muốn phải tiếc nuối một lần nữa, Phương tập luyện nhiều hơn. Quyết tâm tái ngộ và đánh bại Budiarti được hun đúc và điểm hẹn mà Phương dự tính là SEA Games 27 ở Myanmar. Nhưng trớ trêu thay, khi đã đạt đến “điểm rơi” tốt nhất, chấn thương cơ đùi đầy bất ngờ đã khiến Phương lỡ cơ hội tranh tài. Khi ấy, Phương đã khóc, khóc rất nhiều trong nỗi buồn chồng chất. Rồi Phương tự nhủ phải làm lại từ đầu, chờ một thời cơ khác.
Chiều qua (12.6), chúng tôi đã thấy Phương xuất trận ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật sở trường. Dù vậy, phong độ xuất sắc của Budiarti trên đường chạy của sân vận động quốc gia Singapore khiến Phương chỉ có thể giành HCB. Trên bục nhận huy chương, chúng tôi nhận thấy đôi mắt của Phương đượm buồn. Ngồi trên đường piste trò chuyện, Phương bảo: “Số tôi nó vậy hay sao ý. Bản thân tôi đã rất nỗ lực, đã có nhiều hy vọng và quyết tâm, nhưng...”.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Yên Định (Thanh Hoá), Phương mồ côi mẹ từ nhỏ, còn bố thường xuyên đau ốm. Hoàn cảnh khó khăn nên Phương được trui rèn ý thức tự lập và nghị lực sống. “Tôi rất hiếm khi khóc bởi mỗi khi vấp ngã, tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn. Tôi không muốn vin vào sự thiếu may mắn để lý giải về thất bại của mình, nhưng rõ ràng vào thời điểm quan trọng nhất, tôi lại không có được sự ủng hộ của vận may”- Phương chia sẻ.
Không bao giờ từ bỏ
Ở tuổi 25, Phương đã nếm trải quá nhiều nỗi đau, sự tiếc nuối tại 3 kỳ SEA Games, khi cô thiếu một chút may mắn để giành HCV hoặc phải vắng mặt vì chấn thương. Khi chúng tôi hỏi: “Sau quá nhiều thất bại, Phương có nghĩ đến việc từ bỏ điền kinh?”. Ngay lập tức, Phương trả lời mà không cần suy nghĩ: “Không bao giờ. Điền kinh đã ăn vào máu thịt của tôi. Không thể giành HCV, tôi buồn lắm nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ điền kinh”.
Đối diện với những cú sốc, những nỗi buồn liên tiếp, đâu là cách để Nguyễn Thị Phương lấy lại sự bình tĩnh và tái tạo nghị lực để hướng về phía trước? “Bao giờ cũng vậy, tôi dành một thời gian để mình có thể buồn, có thể để sự tiếc nuối bung ra thật tự nhiên. Rất nhanh thôi. Rồi sau đó tôi cố gắng gạt nỗi buồn ấy sang một bên để cố gắng nhiều hơn. Và tôi cố gắng bằng việc tập luyện thật nhiều, mỗi ngay đều nỗ lực để cải thiện khả năng”, Phương bộc bạch.
Rồi cô tâm sự: “Thực tế thì chỉ tấm HCV SEA Games là nỗi ám ảnh trong suy nghĩ của tôi. Còn ở nhiều giải đấu khác ở trong nước và quốc tế, tôi cũng đã giành được không ít HCV”. Sau đó, Phương bảo cô sẽ tiếp tục tập luyện, tiếp tục phấn đấu bởi: Nếu buông xuôi bây giờ, sau này tôi sẽ phải tiếc nuối mãi mãi. Tôi phải vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục tiến bước trên con đường mình đang đi. Nỗi buồn nào rồi cũng nguôi ngoai, nhưng niềm đam mê của tôi thì không bao giờ thay đổi”.
Có thể Phương sẽ không bao giờ giành được HCV SEA Games, khi tài năng của cô rồi cũng phải giảm sút theo thời gian. Nhưng nản chí là điều không tồn tại trong tư duy của vận động viên này. Phương đã thất bại nhiều, theo nhiều cách khác nhau và cô đã có đủ nghị lực để vượt qua. Hiện tại, nỗi buồn vẫn đang vây lấy tâm trí của Phương. Nhưng sẽ rất nhanh thôi, nỗi buồn ấy sẽ ra đi, trả lại vị trí cho niềm đam mê, để Phương lại tiếp tục tập luyện, tiếp tục chờ đợi những cuộc đua với quyết tâm mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Trong ngày thi đấu cuối cùng tại SEA Games 2015, điền kinh chỉ có thêm 1 HCV ở đường chạy 400m nữ nhờ công Nguyễn Thị Huyền. Như vậy, kết thúc những ngày tranh tài tại Singapore, điền kinh Việt Nam giành 11 HCV, hoàn thành chỉ tiêu giành từ 10 đến 12 HCV đặt ra trước lúc lên đường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.